Xây dựng và hoàn thiện bảo hiểm y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

NDO -

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt bảo đảm tính bền vững của bảo hiểm y tế là một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như bảo hiểm xã hội, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Chiều 27/10, trong chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019 và 2020, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế

Đề cập vấn đề phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ vấn đề thông tin, truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế, mở rộng các dịch vụ bảo hiểm y tế, đến vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế, cũng như các vấn đề mở rộng các điểm thu của bảo hiểm y tế.

Nhờ đó, cho đến năm 2020, chúng ta đã đạt được 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt so với chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 68 của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có một số vấn đề cần phải hết sức quan tâm tới đây như làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt bảo đảm tính bền vững của bảo hiểm y tế là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như hệ thống bảo hiểm xã hội.

“Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt vấn đề người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp bị đóng cửa cho nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đã giảm xuống, hiện nay giảm 2,6 triệu so với năm 2020. Do vậy, vấn đề đặt ra tới đây là làm sao để tiếp tục mở rộng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở

Trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, có thể nói rằng, trong thời gian qua, y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những đầu tư, quan tâm của chúng ta cho y tế cơ sở đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, ngành y tế đang tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vực, bao gồm tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đổi mới nhân lực y tế cơ sở, bảo đảm những đổi mới về cơ chế tài chính, đặc biệt là vấn đề về hoạt động để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn sinh sống.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Về vấn đề khám, chữa bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Xây dựng và hoàn thiện bảo hiểm y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân -0

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội chiều 27/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

“Theo đánh giá chung, hiện nay, các điểm số của hệ thống khám, chữa bệnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, tới đây vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, cũng như triển khai mạnh mẽ hơn nữa những đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua như đề án khám, chữa bệnh từ xa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về đề án trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, vừa qua, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc. Tất cả các trung tâm y tế của tuyến huyện đã được kết nối với hệ thống khám, chữa bệnh từ tuyến Trung ương để tăng cường hỗ trợ của Trung ương đối với các địa phương.

Đổi mới thanh toán bảo hiểm y tế

Đề cập vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho rằng, về cơ bản, hiện nay các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như y tế đã thực hiện việc tạm ứng thanh quyết toán về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề, thí dụ như chậm thanh toán. Do đó, Bộ Y tế cùng Bảo hiểm Xã hội đã phối hợp giải quyết và trong năm 2021 không giao dự toán tổng, hay còn gọi là trần thanh toán cho các cơ sở y tế nữa mà dựa trên cơ sở thực thanh, thực chi.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đổi mới phương thức về thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương. Hiện đã có quy định và Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn cho việc triển khai nội dung này, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo cũng như phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với bảo hiểm y tế.

“Tới đây, chúng tôi tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác này cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đang dự kiến xây dựng luật và trong đó có việc làm sao để bảo đảm tính độc lập tương đối của hệ thống giám định bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng nêu rõ.

Quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế

Về vấn đề thu, chi quỹ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020 quỹ dư 32 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua có những bất cập do mức đóng bảo hiểm y tế của chúng ta còn ở mức độ rất giới hạn.

Hiện nay, ngân sách nhà nước chiếm tới 59% các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng số kinh phí từ số này chỉ khoảng 37%. Mức đóng hiện nay vẫn không thay đổi qua nhiều năm nhưng dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật đã được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế, nên việc bảo đảm cân đối nguồn quỹ bảo hiểm y tế là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới đây.

Theo Bộ trường, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế một cách hợp lý, hiệu quả và công khai, minh bạch; thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung; xem xét mức độ đa dạng mức đóng bảo hiểm y tế; bổ sung quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp xảy ra các dịch bệnh; mở rộng quyền lợi và chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế…

Đề cập vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm thảo luận, đó là vấn đề sửa đổi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025), Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định 861.

Theo đó, sẽ sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian thụ hưởng đến hết năm 2021 cho những đối tượng ở vùng III, vùng II để nâng lên vùng I. Trên cơ sở đó cũng xem xét bổ sung việc kéo dài thời gian thực hiện cho đối tượng ở vùng III, vùng II và vùng I như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV