Trường Sa nhớ Anh Văn, càng chắc thêm tay súng

NDO -

NDĐT- Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tầm nhìn xa về vị trí, vai trò của biển đảo trong phát triển kinh tế, giữ vững thế trận quốc phòng an ninh đất nước; đồng thời dành nhiều tình cảm cho quân dân biển đảo. Thời khắc này, cả quần đảo tuyến đầu của Tổ quốc đang hướng về Đại tướng, hứa quyết tâm bảo vệ vững chắc, trọn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Quân dân Trường Sa thành kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Quân dân Trường Sa thành kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Nhận được tin Bác Giáp mất, anh em chúng tôi sững sờ. Vậy là chúng ta đã phải chia xa người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.”, Trung tá Lương Xuân Giáp, chính trị viên phó đảo Trường Sa nghẹn ngào nói.

Đảo Trường Sa lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại hội trường lớn, trung tâm của đảo. Giữa nơi đầu sóng ngọn gió, bàn thờ Bác Giáp giản dị mà chan chứa lòng chân thành của quân dân, với những cành hoa, những nải chuối, trái đu đủ… trồng trong vườn trên đảo vừa được hái về. Trong điều kiện khó là vậy, di ảnh của Bác Giáp vẫn được chuẩn bị chu đáo; có vòng hoa, vừa hoa thật, vừa hoa giấy, mang dòng chữ “ Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; rồi cả một cuốn sổ tang ngay ngắn. Bàn thờ luôn có hai chiến sĩ túc trực, như canh cho giấc ngủ Bác Giáp mãi được yên lành.

Ngồi bên bàn thờ, anh em cứ nhắc đi nhắc lại những câu chuyện về tầm nhìn rất xa về biển, đảo trong sự phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nướccủa Đại tướng. Điều ấy thể hiện qua việc tổ chức giải phóngTrường Sanăm 1975; việc khẳng địnhtầm quan trọng của Hoàng Sa - Trường Sa,quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với haiquần đảo này. Sau năm 1975, Đại tướng rất quan tâm phát triển kinh tế biển, đảo. Năm 1977, tại hội nghị về biển lần thứ nhất được tổ chứctạiNha Trang, trên cương vị Phó Thủ tướng, Đại tướng nói với các nhà khoa học: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả,để góp phần thúc đẩy khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả đem lại cho đất nước ta”.

Chị Phạm Thị Như Trinh, người dân thị trấn Trường Sa cùng nhiều chị em khác cặm cụi cùng anh em chiến sĩ chuẩn bị bàn thờ, cố gắng trang trí làm sao cho thật đẹp, thật ấm cúng. Chị Trinh bảo rằng, thắp hương trước bàn thờ Bác Giáp, chị cố nén lòng để khỏi khóc, nhưng nước mắt ở đâu cứ tứa ra. “Nhìn ông hiền từ, phúc hậu quá, giống như cha, ông chúng tôi vậy.”, chị Trinh nói. Nhiều chị em vừa làm vừa khóc. Và chị cũng chỉ khấn được mấy chữ, rằng con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ cho gia đình êm ấm.

Anh em cán bộ, chiến sĩ tề tựu đông đủ bên bàn thờ, cùng nghe tiểu sử Bác Giáp, cùng tưởng niệm rồi ghi cảm tưởng vào sổ tang. Trung úy Nguyễn Văn Thọ, quê Ninh Bình, xúc động nói: “Em chưa từng gặp Bác Giáp nhưng qua những bài học lịch sử được học từ nhỏ, em nể phục Bác vô cùng. Bác là một vị tướng tài của quân đội ta. Trước nay, em đã đọc nhiều tài liệu viết về Bác, về nghệ thuật quân sự của Bác nhưng em cảm thấy còn ít quá. Sắp tới em sẽ tiếp tục tìm đọc, để học tập được nhiều hơn về tài năng, đức độ cũng như tấm gương hết lòng vì nước vì dân của Bác”.

Trong số đồng bào, chiến sĩ dự lễ viếng Đại tướng có cả các vị tu sĩ ở chùa Trường Sa Lớn. Chùa cũng đang chuẩn bị hoa trái để tối 12-10 làm lễ cầu nguyện cho vong linh Đại tướng được bằng an.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa cho biết, đúng 7 giờ 30 ngày 12-10, tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa đồng loạt tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, quân và dân huyện đảo Trường Sa thành kính tưởng nhớ công ơn và tỏ lòng kính trọng, biết ơn Đại tướng. Ngày 13-10, các đảo sắp xếp hợp lý công việc để anh em cán bộ, chiến sĩ được theo dõi truyền hình trực tiếp tang lễ của Đại tướng. Cả Trường Sa đang hướng về Đại tướng. Quân và dân huyện đảo hứa trước vong linh người anh Cả sẽ luôn “chắc tay súng, vững tay lái”; quyết tâm bảo vệ vững chắc, trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.