Trí thức trẻ góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

NDO -

Trong khuôn khổ Hội nghị Trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu ở trong và ngoài nước góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức sáng nay, 6-11, tại Hà Nội, hàng trăm trí thức trẻ tiêu biểu đã đóng góp những ý kiến thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Các đại biểu trí thức trẻ trong và ngoài nước thảo luận tại hội nghị.
Các đại biểu trí thức trẻ trong và ngoài nước thảo luận tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu và có tính khái quát cao, xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự kiên định của Đảng ta trong đường lối đổi mới, nguyên tắc xây dựng Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề được nêu trong dự thảo như đổi mới giáo dục và đào tạo, tăng cường hàm lượng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới.

Theo anh Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia, dự thảo nhiều lần nhắc đến thuật ngữ "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", nhưng nội hàm chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng về internet, chưa quan tâm nhiều đến cuộc cách mạng về dữ liệu.

"Ngành, nghề mới hiện nay xuất hiện nhiều và nhanh, nhưng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề vẫn còn cao. Điều này cho thấy bất cập trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực", anh Hoàng Anh Đức nói.

"Dự thảo các văn kiện nhấn mạnh việc tăng cường các hình thức học tập không chính quy, học tập thường xuyên, cộng đồng học tập nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, mục tiêu cần tập trung phát triển năng lực thay vì học cố định, hướng tới rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn", anh Đức nêu ý kiến.

Liên quan công tác giáo dục và đào tạo, TS Lê Duy Anh (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý: "Dự thảo các văn kiện không ít lần đề cập đến phát triển khoa học - công nghệ, nhưng cần có mục tiêu cụ thể để đánh giá, đo lường mức độ thành công".

TS Nguyễn Linh Đan, Trường đại học Tokyo (Nhật Bản) nhận định: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt chú trọng tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quan tâm yếu tố bảo vệ môi trường.

"Trong dự thảo, cụm từ "phát triển nhanh và bền vững" lặp lại nhiều lần, đồng thời đề cập mục tiêu "GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người". Đây là mục tiêu tăng trưởng mạnh, sẽ kéo theo sức ép nhất định, đặc biệt là đối với môi trường", TS Nguyễn Linh Đan đánh giá.

"Cùng với GDP, vấn đề dân số cũng là một yếu tố quan trọng trong dự báo tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Ngoài ra, lợi thế phát triển kinh tế từ dân số vàng, ứng phó việc già hóa, dân số tăng nhanh và đô thị hóa... đều sẽ khiển hệ thống năng lượng trở nên quá tải", đại biểu từ Trường đại học Tokyo lo ngại.

Theo đó, TS Nguyễn Linh Đan đề xuất dự thảo các văn kiện cân nhắc thêm các dự báo kinh tế và năng lượng, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đưa ra giải pháp đồng bộ và kịp thời, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững.