Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Xã hội của Quốc hội

NDO -

Ngày 14/5, tại Đà Nẵng, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/5. Theo kế hoạch đại biểu dự Phiên họp sẽ thẩm tra 3 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); đồng thời xem xét các nội dung về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội và một số hoạt động giám sát, lập pháp khác của Ủy ban.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội biểu dương và đánh giá cao những đóng góp tích cực của Ủy ban Xã hội vào hoạt động chung của Quốc hội, đặc biệt là trong công tác lập pháp. Ủy ban đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 09 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024; Nghị quyết số 12 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 17 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới, sẽ có 11 dự án luật được báo cáo để đại biểu cho ý kiến và xem xét thông qua, thì có đến 3 dự án luật thuộc trách nhiệm của Ủy ban Xã hội. Vì thế, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội và các thành viên Ủy ban lưu ý 5 nội dung trọng tâm.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cần tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ các đường lối, chính sách được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Dự thảo sửa đổi lần này cần phải giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay như tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, lạm dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật cao, thiếu kiểm soát trong tự chủ đối với cơ sở y tế; cần có cơ chế để phát huy vai trò và hiệu quả của y tế tuyến cơ sở và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh ở cả cán bộ y tế và cơ sở khám chữa bệnh…

Đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), phải bảo đảm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người. Trên cơ sở đó, làm rõ những hạn chế thuộc quy định của Luật hay do tổ chức thực hiện để sửa đổi cho trúng, cho đúng; rà soát hơn ba nhóm nội dung chính sửa đổi để bảo đảm phải tiến bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tăng cường nguồn lực, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 7, trong đó lưu ý các vấn đề về xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; khen thưởng thành tích kháng chiến; thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhóm cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Trong kỳ họp thứ 3 sắp tới, Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì, tổ chức hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, tổ chức Cuộc gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội. Tiếp tục chủ động, tích cực tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vị thế, vai trò của các vị nữ đại biểu Quốc hội, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động văn hóa-xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội cũng xây dựng kế hoạch hoạt động giám sát từ nay đến cuối năm và của năm 2023, với những chuyên đề giám sát rất thiết thực, như giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội và việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách.

Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát kèm theo Kế hoạch giám sát năm 2022-2023; nghiên cứu, lựa chọn để từ nay đến cuối năm 2022 tổ chức 1 hoặc 2 phiên giải trình về những vấn đề người dân quan tâm, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ các chính sách xã hội.