Tiến sĩ “lúa lai”

Nước ta có tới 80% số dân sống ở nông thôn, vì vậy làm thế nào để có thể chọn được giống cây trồng năng suất cao, chi phí thấp, bảo đảm an toàn lương thực cho nhân dân và tạo được quỹ thời gian dài ngoài hai vụ lúa để phát triển cây trồng nguyên liệu trong công nghiệp chế biến.

Nhớ lại 10 năm trước khi bắt tay vào nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai, họ gặp không ít khó khăn: Cây lúa là cây lương thực truyền thống của dân tộc, có vị trí trọng yếu, song cũng có rất nhiều nhà khoa học, các cơ quan khác đã và đang nghiên cứu; vậy hướng đi trong chọn tạo giống lúa lai là gì? Hệ thống chọn giống lúa lai nào có ưu thế đối với nước ta? Quỹ gien phục vụ cho chọn tạo giống lúa lai còn rất nghèo nàn cần thu thập từ đâu? Kinh phí nghiên cứu cho chọn giống lúa lai là rất lớn thì giải quyết ra sao? Nhóm của anh đã tìm ra được hướng giải quyết có hiệu quả: Chọn các giống lúa lai hai dòng cực ngắn ngày, năng suất tích lũy cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Kinh phí mà Bộ Giáo dục và Ðào tạo dành cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học của nước ta còn ít ỏi. Ðể giải bài toán này, phải kết hợp giữa nghiên cứu và sản xuất ra hạt giống bố, mẹ chất lượng cao phục vụ các công ty và bà con nông dân đang rất cần. Mặt khác, nhà trường có số lượng sinh viên không nhỏ chuyên ngành chọn giống cây trồng, chính đội ngũ này luôn sẵn sàng thực hiện công việc để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, đó là một thế mạnh mà không viện nghiên cứu nào có được.

Một ưu thế rất lớn khác đó là các cựu sinh viên của trường hiện đang công tác trên mọi miền đất nước. Họ đang giữ những vị trí trọng trách và luôn nhớ về trường, trân trọng các kết quả do trường tạo ra và sẵn sàng cộng tác vô tư kể cả hỗ trợ kinh phí để triển khai giống mới vào sản xuất, nếu giống mới thật sự đáp ứng yêu cầu sản xuất tại địa phương. Cũng phải kể thêm đến phần hỗ trợ rất có hiệu quả của các chương trình hợp tác quốc tế: chương trình INGER và các chuyên gia Nhật Bản cung cấp các gien quý, chương trình JICA hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà lưới mua sắm một số thiết bị tối thiểu, dự án DANIDA hỗ trợ về máy móc để nâng cao chất lượng sản xuất hạt giống bố mẹ lúa lai.

Tận dụng các cơ hội, sử dụng có hiệu quả công sức của sinh viên, PGS, TS Nguyễn Văn Hoan, Trưởng bộ môn Di truyền-giống cây trồng Trường đại học nông nghiệp 1 đã hình thành nhóm nghiên cứu, kết hợp vừa nghiên cứu vừa triển khai lấy thêm kinh phí bù dắp cho nghiên cứu, đã gặt hái được các kết quả bước đầu, được giới khoa học nông nghiệp nước ta và nền nông nghiệp Việt Nam chấp nhận rộng rãi.

Sau 10 năm ròng rã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiến hành các thực nghiệm khoa học trong điều kiện ít ỏi về kinh phí, eo hẹp về thời gian, nhóm nghiên cứu của anh và các bạn cộng sự đã đạt được một số kết quả, góp phần quyết định phát triển thương hiệu lúa lai Việt Nam.

Một là, tạo ra giống lúa lai hai dòng Việt Lai 20, nhanh chóng được xã hội chấp nhận và đưa vào sản xuất, đặc biệt là nhân dân miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang... Hệ thống sản xuất hạt giống được thiết lập trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm giống Lào Cai, Bộ môn di truyền-giống cây trồng và Công ty Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp Hải Phòng. Chỉ sau một năm khảo nghiệm cơ bản giống đã được Nhà nước cho khu vực hóa. Với sự giúp đỡ của Dự án HAU-JICA-ERCB cùng với sự hưởng ứng nhiệt thành của nông dân, nên một năm sau (2004), giống đã được công nhận giống quốc gia. Ðây là giống lúa lai quốc gia đầu tiên của Việt Nam và cũng là giống lúa lai ngắn ngày được nông dân chấp nhận nhanh nhất trong 30 năm qua. Sự hấp dẫn của công nghệ nhân giống, sản xuất hạt giống F1 của Việt Lai 20 đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty và trung tâm giống. Lần đầu tiên công nghệ lúa lai hai dòng đã bán được bản quyền trị giá 300 triệu đồng. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị ứng dụng công nghệ cây trồng, chỉ tính riêng năm 2004 và vụ xuân 2005, giống Việt Lai 20 đã làm lợi cho nền sản xuất lúa nước ta hơn 15 tỷ đồng. Theo thông tin mới nhất từ Công ty dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp Hải Phòng (đơn vị mua bản quyền giống Việt Lai 20) thì năm 2005, công ty đã sản xuất được hơn 1.000 tấn giống với giá thấp hơn giá nhập nội 10 triệu đồng/tấn, tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng so với nhập nội hạt giống. Số lượng hạt giống này đã được ký hợp đồng bao tiêu hết và đủ để gieo cấy trên diện tích 40.000 ha, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho nền sản xuất lúa nước nhà hơn 50 tỷ đồng ở năm 2006.

Hai là, phát triển hệ thống lúa lai hai dòng thế hệ mới với thời gian sinh trưởng cực ngắn, kháng bệnh bạc lá, hàm lượng protein cao, chất lượng tốt. Các tổ hợp này có thể gieo cấy rất sớm, cho thu hoạch trong tháng 8 để dành quỹ thời gian hơn 6 tháng cho gieo trồng các cây vụ thu đông có giá trị kinh tế cao như cà chua sớm, dưa chuột bao tử... góp phần quyết định cho việc phát triển cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ba tổ hợp lúa lai mới mang tên Việt Lai 24, Việt Lai 27 và Việt Lai 36 đã được tạo ra, điển hình là giống Việt Lai 24 đã nhanh chóng được người sản xuất chấp nhận. Vụ xuân 2005, giống đã được gieo cấy thử trên 63 địa điểm của các tỉnh phía bắc và đều cho kết quả tốt, trong đó ba tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đã mở Hội nghị đầu bờ chính thức đánh giá để đưa vào cơ cấu gieo trồng ngay từ vụ mùa 2005. Các hợp đồng triển khai công nghệ mới của giống Việt Lai 24 đã được ký kết, công tác nghiên cứu phát triển công nghệ đang được xúc tiến mạnh mẽ và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn giống Việt Lai 20.

Ba là, các kết quả chọn tạo, sản xuất hạt lai, thương mại hóa sản phẩm hạt lai F1, xây dựng hệ thống hoàn chỉnh từ chọn tạo - làm thuần - sản xuất hạt lai đến cung ứng hạt giống cho người sản xuất, đã góp phần tích cực quảng bá thương hiệu lúa lai Việt Nam. Từ năm 2004, trên thị trường trong nước đã có thêm sản phẩm lúa lai in nhãn "made in Vietnam". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức đưa Trường đại học Nông nghiệp 1 thành một trung tâm duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ lúa lai cung cấp cho cả nước, và sẽ tiến hành một dự án quy mô lớn trị giá hơn 10 tỷ đồng nhằm xây dựng tại trường một cơ sở khang trang đủ sức đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa lúa lai ở nước ta.

Bốn là, ngoài kết quả trực tiếp chuyển giao công nghệ lúa lai hai dòng mới vào sản xuất, góp phần khẳng định thương hiệu lúa lai Việt Nam, chúng tôi còn ấn hành một số ấn phẩm phục vụ cán bộ nghiên cứu, cán bộ nông nghiệp và đông đảo bà con nông dân; các ấn phẩm gồm có: cuốn Kỹ thuật thâm canh lúa ở hộ nông dân do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành lần đầu năm 1995 và liên tục được tái bản trong suốt 10 năm qua. Cuốn Lúa lai và kỹ thuật thâm canh đã được tái bản đến lần thứ 10, phục vụ rộng rãi tầng lớp nông dân mới quan tâm việc gieo trồng lúa lai. Cuốn Kỹ thuật thâm canh mạ (NXB Nông nghiệp-Hà Nội 2002) và cuốn Cây lúa và kỹ thuật thâm canh cao sản do Viện Nghiên cứu phổ biến kiến thức Bách khoa xuất bản năm 2004, đã trở thành cuốn sách hướng dẫn nghề trồng lúa được nông dân yêu thích. Tổng số lượng phát hành của các tài  liệu kể trên đã vượt qua con số 270.000 bản.

Với những công trình nghiên cứu nói trên PGS. TS Nguyễn Văn Hoan và nhóm nghiên cứu đã được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Bộ Khoa học-Công nghệ trao tặng Giải thưởng VIFOTEC.