Phát triển Tây Nguyên phải bảo đảm nhanh, bền vững, hài hòa, giàu bản sắc văn hóa dân tộc

Sáng 1/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, bạn bè quốc tế, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường-quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mekong và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và ASEAN.

Phát triển Tây Nguyên phải bảo đảm nhanh, bền vững, hài hòa; lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được bảo đảm; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng gợi mở một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, đất, nước và rừng của Tây Nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành quá trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực...

Các tỉnh phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng và giá trị cao; du lịch là đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế.

Các tỉnh cần tập trung nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; bảo đảm quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông-lâm trường.

Thủ tướng chỉ rõ, phải phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Ngoài ra, cần tập trung tối đa các nguồn lực cả trong và ngoài nhà nước, cả ở Trung ương và địa phương, cả ở trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên.

* Chiều cùng ngày, trong chương trình công tác tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc, động viên cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk và Công an tỉnh Đắk Lắk; khảo sát khu vực khu vực xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi nghe lãnh đạo 2 đơn vị báo cáo những kết quả đạt được nổi bật trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh, thế trận lòng dân, công tác xây dựng lực lượng và sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk đạt được trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong công tác giữ gìn ổn định chính trị, phòng chống tội phạm, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đối với cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng khẳng định những kết quả đạt được của lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dự báo tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Thủ tướng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cần quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt với Quân đội nhân dân, tuân thủ sự quản lý của Nhà nước, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải chắc tình hình để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, không để bị động, bất ngờ với các tình huống có thể xảy ra; luôn sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, sẵn sàng đi bất cứ đâu, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng, tham gia xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này; nâng cao hơn nữa tiềm lực của Quân đội nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk nói riêng; tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh kiểu mẫu trong quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên,  đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, không ngừng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Phát biểu với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an tỉnh không được chủ quan lơ là, tiếp tục nỗ lực cố gắng, làm việc có trọng tâm trọng điểm. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị công an tỉnh Đắk Lắk kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi mặt lực lượng công an nhân dân, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng trung thành với đảng, với nhân dân; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền về công tác công an và các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Đắk Lắk là địa bàn chiến lược ở khu vực Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu Công an tỉnh làm tốt công tác ổn định chính trị; đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, xây dựng lực lượng vững mạnh và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

* Khảo sát tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Đắk Lắk thành lập Tổ công tác để chỉ đạo toàn bộ hoạt động của dự án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ở những nút giao trên tuyến cao tốc, cần có phương án thiết kế phù hợp, tạo không gian phát triển mới; còn ở những khu vực trung tâm cần ưu tiên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Thủ tướng cũng yêu cầu dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột phải được triển khai với tinh thần khẩn trương, nhằm tránh lãng phí, thất thoát ngân sách của Nhà nước, đồng thời mở cơ hội cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung phát triển nhanh và bền vững.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồng, 97 tuổi, ở phường Tân Hòa có 2 con là liệt sĩ và thương binh hạng 1/4 Nguyễn Hữu Quỳnh, 73 tuổi, ở phương Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột.