Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

NDO -

Ngày 19/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022. (Ảnh: Trần Hải)

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược theo các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác này; bố trí cơ sở vật chất, không gian làm việc phù hợp, đầu tư về tài chính ngang tầm nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ tương xứng với người làm công tác tư pháp, pháp chế, cân đối, hài hòa, hợp lý với các ngành khác.

Do phiên họp có nhiều nội dung, thời gian có hạn, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các bộ chuẩn bị kỹ nội dung, xin ý kiến Chính phủ tại phiên họp đối với các vấn đề còn có ý kiến khác khau, vấn đề mới, nhạy cảm và khó.

DSC_8862-1642558109629.jpg
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tập trung vào các vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định, song vượt qua thực tiễn, những vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện trên tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng thể chế của bộ, ngành mình; việc xây dựng thể chế phải bảo đảm kịp thời, thường xuyên; các bộ, ngành tổ chức các hội thảo, bàn luận kỹ, tranh thủ ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học... để các văn bản pháp luật bảo đảm chất lượng. Cùng với thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế, cần tổ chức thực hiện các quy định của thể chế hiệu quả. 

DSC_8649-1642557922090.jpg
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) 

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án, đề nghị xây dựng Luật. Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng Luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 1/3/2022, nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Các dự án, đề nghị xây dựng Luật được thảo luận tại phiên họp lần này gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số; Đề nghị xây dựng Luật về phòng thủ dân sự...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá cao các cơ quan trình, thẩm định, phối hợp đã dành nhiều thời gian hoàn thành các dự án luật và đề nghị xây dựng luật; đặc biệt, đều chú ý tới bảo đảm quy trình, tiến độ và chất lượng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật. Thủ tướng đề nghị các cơ quan trình, thẩm định các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các đối tượng có liên quan, cố gắng chắt lọc các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng; hoàn thiện đúng quy trình, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược cho ngành mình, cơ quan mình. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần dành thêm nhiều thời gian công sức lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng.

Thứ hai, cần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; cải cách thủ tục hành chính, chống sách nhiễu, phiền hà; tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát;  bảo đảm hợp lý, hiệu quả.

Thứ ba, song song với tháo gỡ chính sách để huy động nguồn lực, hiện nguồn lực rất có hạn, với yêu cầu của một nước đang phát triển, thì nguồn lực hợp pháp khác là rất cần thiết. Chú ý cơ chế chính sách đang huy động nguồn lực hợp pháp khác để thúc đẩy sự phát triển, song song với tăng cường quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật kỷ cương thì phải mở ra cơ chế chính sách tạo điều kiện tập trung cho sự phát triển. Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay. Những vấn đề chưa rõ thì sơ kết, tổng kết, đánh giá, thận trọng, cần thì làm thí điểm, mở rộng dần…

Thứ tư, tình hình thực tiễn diễn ra rất nhanh, khó lường, khó dự báo, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, cho nên khi thiết kế chính sách thì vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa có độ mở nhất định, để trong trường hợp chưa kịp thực tiễn phát sinh thì vẫn có thể xử lý được. Còn phương pháp làm, phải tiếp tục tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng bị tác động, kể cả ý kiến trái chiều phản biện để có cọ xát, tranh luận, luận cứ phong phú hơn, hoàn thiện ý tưởng, trong xây dựng và hoàn thiện chính sách tốt hơn, đồng thuận trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Nghiên cứu, tham khảo mô hình các luật tương tự của các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan các liên quan, các cơ quan thẩm định, các chuyên gia để tạo đồng thuận trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Vừa qua, việc phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị đã làm rất tốt, do đó, thời gian tới cần phát huy hơn nữa. Kinh nghiệm cho thấy, muốn đưa ra chính sách mới, nhất là những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau thì cần truyền thông trước, trong và sau khi chính sách được thông qua.