Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền trung

Chiều 29-4, Văn phòng Chính phủ thông báo một số thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xử lý các vấn đề liên quan hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền trung.

Thông báo nêu rõ, việc hải sản chết tại một số tỉnh miền trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số bộ trưởng đã đến làm việc, kiểm tra trực tiếp vùng bị ảnh hưởng. Tình trạng hải sản chết bất thường vừa qua ở một số tỉnh miền trung là sự cố môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, mặc dù các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chiều 28-4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp và tiếp tục chỉ đạo các nội dung cụ thể. Các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết. Đồng thời, do đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế, khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.

Các địa phương rà soát, thống kê, kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, bảo đảm ổn định cuộc sống, không để thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, trường hợp bị thiệt hại nặng.

Tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tiến hành rà soát công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển tại các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, kịp thời xử lý khi có sự cố.

Thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy, hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, sử dụng hải sản chết làm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn người dân trong việc tiếp tục nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ hải sản an toàn; bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, nhằm ổn định tình hình, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Tăng cường truyền thông về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí về vụ việc này.

* Chiều 29-4, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đến thăm, động viên bà con ngư dân tại các địa phương vùng biển bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt thời gian qua. Tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, nơi ghi nhận tình trạng cá chết nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh và ngư dân thông báo tình hình thiệt hại.

Theo thống kê của các địa phương ven biển, số lượng cá chết trôi dạt vào bờ tại tỉnh Quảng Trị ước khoảng 34,5 tấn; hơn 1.900 tàu cá vùng ven bờ không thể ra khơi đánh bắt; nhiều hộ dân lâm hoàn cảnh rất khó khăn do kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc việc ra khơi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên bà con ngư dân nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định đời sống. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn quan tâm và sẽ có biện pháp hỗ trợ ngư dân kịp thời.

* Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các biện pháp khắc phục thiệt hại do cá biển chết bất thường.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Bình, việc cá chết trong hơn nửa tháng qua tại Quảng Bình đã làm ảnh hưởng đời sống của hơn 2.000 hộ dân ven biển, thiệt hại về kinh tế 175 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thu gom cá chết, vận động nhân dân không ăn cá chết; tổ chức các đoàn công tác đến các xã ven biển nắm tình hình, thăm hỏi động viên, hỗ trợ ngư dân. Do không đi biển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương công bố nguyên nhân cá chết; đồng thời có thông báo để người dân biết bao giờ ăn được cá, khu vực nào có thể đánh bắt được hải sản. Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài chính trình phương án hỗ trợ ngư dân ven bờ sống bằng nghề đánh bắt hải sản, hỗ trợ tiêu thụ hải sản xa bờ; có phương án khoanh nợ, giãn nợ cho người dân vay vốn đóng mới tàu thuyền.

Trước đó, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đến thăm hỏi tình hình đời sống và động viên ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.

* Hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại: Ngày 29-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ ngư dân, DN khắc phục hậu quả do thủy sản chết bất thường tại một số tỉnh miền trung. NHNN yêu cầu các TCTD chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay,… đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới, giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại phối hợp các đơn vị đánh giá, xác định mức độ thiệt hại để tham mưu UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng quyết định hỗ trợ theo quy định.

* Cùng ngày, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có công điện gửi chi nhánh NHCSXH các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả do hiện tượng thủy sản chết bất thường. Giám đốc chi nhánh các tỉnh phối hợp chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn NHCSXH nắm bắt kịp thời thiệt hại, căn cứ mức độ thiệt hại hướng dẫn bà con lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu vay vốn bổ sung để người dân chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

* Ngày 29-4, tỉnh Quảng Trị có quyết định hỗ trợ 300 tấn gạo cho các gia đình ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết thời gian qua. Trong đó, huyện Gio Linh 94 tấn, Vĩnh Linh 73 tấn, Triệu Phong 68 tấn và Hải Lăng 65 tấn. Mức hỗ trợ từ 10 đến 15 kg/người.

* Bảo đảm an toàn cho hoạt động du lịch ven biển: Trước tình hình hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền trung, ảnh hưởng tâm lý du khách và hoạt động du lịch, ngày 29-4, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 380/TCDL-LH về việc bảo đảm an toàn các hoạt động du lịch. Tổng cục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời thông tin trung thực cho du khách về môi trường điểm đến, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bình tĩnh xử lý thông tin, tư vấn cho khách du lịch sử dụng các dịch vụ bảo đảm an toàn; có giải pháp đa dạng hóa loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường thu hút khách để nhanh chóng vượt qua những khó khăn phát sinh. Tổng cục yêu cầu các đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho du khách, nhất là trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30-4 - 1-5 và mùa du lịch hè 2016.