Thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015

NDO -

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, sáng 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, 100% ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

Trước đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở văn bản số 148/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản số 6754/VPCP-PL giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số quy định của Bộ luật Hình sự liên quan hành vi vi phạm bí mật kinh doanh. 

Mục đích của việc ban hành Nghị quyết là nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi phạm tội cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội; bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định CPTPP.

Thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 -0
Quang cảnh phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc, sáng 23/11. (Ảnh: Duy Linh) 

Báo cáo cụ thể về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm ba điều.

Cụ thể, Điều 1 giải thích hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh. 

Điều 2 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực thi hành.

Thẩm tra nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh là cần thiết, đúng thẩm quyền. 

Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn với những lý do đã nêu trong Tờ trình. Đồng thời, hồ sơ gửi thẩm tra được chuẩn bị theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp quy định tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí với tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Về nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc lựa chọn khoản 1 Điều 289 của Bộ luật hình sự để giải thích nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.

Đối với nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 18.78 của Hiệp định, Ủy ban Tư pháp nhất trí không bổ sung mục đích vào nội dung giải thích, vì không phù hợp với quy định điểm c khoản 2 Điều 158 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Việc giải thích luật phải bảo đảm nguyên tắc không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”. 

Nếu bổ sung mục đích phạm tội sẽ thu hẹp phạm vi xử lý hình sự, không phù hợp với cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Hơn nữa, tạo ra sự không thống nhất, không bình đẳng trong chính sách hình sự đối với các hành vi trong cùng một điều luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng...

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ngay sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành theo quy định.

Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện là để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục đạt được mục tiêu phát triển nền công nghệ số, phát triển thông tin vô tuyến điện, góp phần đạt được mục tiêu về chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số và khai thác hiệu quả tài nguyên tần số,

Theo báo cáo, Chính phủ thấy rằng, các chủ trương này cần được thể chế kịp thời trong Luật Tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện cũng nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật này; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của luật với một số luật ban hành sau có nội dung liên quan như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá kỹ về một số vấn đề, nhất là về an toàn bức xạ, tài nguyên số… để việc sửa đổi luật đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án luật đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tạm thời rút dự án luật này khỏi chương trình Kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XIV để Chính phủ, ngành y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại phiên họp này, qua nghiên cứu, thảo luận, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, hồ sơ dự án luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; vì thế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định bổ sung ngay dự án luật này vào chương trình năm 2022.

Đồng thời, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chậm nhất tại Phiên họp tháng 3/2022.

Tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng chịu tác động; phân tách rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh để tránh sai phạm có thể xảy ra; thể chế hóa mục tiêu, quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nhất là đảm bảo công bằng trong cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của cả cơ sở công và tư, qua đó huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cần đánh giá đầy đủ tác động của dịch Covid-19 để có những quy định phù hợp trong dự án luật này như việc khám, chữa bệnh từ xa hay thành lập bệnh viện dã chiến, mô hình bác sĩ gia đình...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, hoàn thiện dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.