Thông qua 6 cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

NDO -

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. (Ảnh: LINH KHOA)
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. (Ảnh: LINH KHOA)

Với 463/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 1/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết, trong đó thống nhất việc triển khai thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Theo đó, Nghị quyết được thông qua gồm 10 điều, quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết vì cho rằng, cơ bản các chính sách được đề xuất áp dụng cho Cần Thơ phù hợp với Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và tương đồng với các chính sách đã được Quốc hội quyết định cho một số địa phương tại Kỳ họp thứ hai.

Đối với 2 chính sách mới về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ và thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được các đại biểu đồng thuận cao vì được xây dựng trên cơ sở đặc thù của miền Tây Nam Bộ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Cần Thơ mà còn có tính lan tỏa, thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển đối với tất cả các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đa số các đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc áp dụng các chính sách liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, vì đây là các chính sách không mới, áp dụng tương tự như các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa…, đã được Quốc hội thảo luận kỹ và đồng thuận cao.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Kết quả, có 463/469 đại biểu Quốc hội (chiếm 92,79% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành.

Thông qua 6 cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ -0

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. (Ảnh: LINH KHOA)

Theo Nghị quyết, thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư, bao gồm áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Tương tự, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế theo quy định.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm. Chính phủ được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và sơ kết 3 năm cũng như tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV