KỲ HỌP THỨ HAI QUỐC HỘI KHÓA XV

Thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới

Ngày 21/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sang ngày làm việc thứ hai.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại tổ 3. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại tổ 3. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin

Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và một số nội dung khác.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, phạm vi và mức độ ảnh hưởng lớn, “bào mòn” tiềm lực, cũng như nguồn lực của các quốc gia bị ảnh hưởng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát, song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các ý kiến nhấn mạnh, cần có những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, trong đó đẩy mạnh phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh với phương châm sống chung an toàn, hiệu quả trong trạng thái bình thường mới; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, số người chết do Covid-19; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất; đẩy mạnh kinh tế số, tạo thời cơ để phát triển.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) và một số đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ tư cũng bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Nhiều năm qua, y tế xã, thôn, bản được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên để ứng phó với biến cố lớn như đại dịch là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế cơ sở về chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng Tây Nguyên… còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần có giải pháp kịp thời để giúp người dân tiếp cận y tế cơ sở thuận lợi, hiệu quả, nhanh chóng; cần tính toán kỹ lưỡng về ngân sách, vốn vay để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là đối với nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở.

Về công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, nhất là trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đề nghị, tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần để phòng ngừa, chữa trị những sang chấn về tâm lý cho trẻ. Trong điều kiện cán bộ tư vấn tâm lý hiện nay còn thiếu, hoạt động chưa được chuyên nghiệp thì cần nhanh chóng triển khai tập huấn, bồi dưỡng về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho lực lượng giáo viên trong các nhà trường, cán bộ công tác xã hội cấp xã, phường, tổ dân phố, khu dân cư. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm đầu mối, thống kê, cập nhật danh sách hoàn cảnh, nguyện vọng của trẻ em cần trợ giúp để công tác điều phối các nguồn lực xã hội, ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19 được công bằng, hợp lý; giao nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác xã hội với trẻ em ở cơ sở phải thường xuyên theo dõi, giám sát kịp thời, có biện pháp chuyển đổi phù hợp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng.

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin nói chung cũng như vắc-xin tiêm cho trẻ em nói riêng; đồng thời Chính phủ cần ban hành kế hoạch xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm về việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, nghiên cứu cơ chế, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất vắc-xin từ các nước tiên tiến.

Rà soát kỹ các quyền của cảnh sát cơ động

Chiều cùng ngày, sau khi nghe các thành viên Chính phủ, Ủy ban của Quốc hội trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về các dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về hai dự án Luật nêu trên.

Đa số đại biểu cho rằng, việc luật hóa pháp lệnh về cảnh sát cơ động là cần thiết, bởi trong nhiều năm nay, đặc biệt là qua thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh, các chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và cảnh sát cơ động nói riêng luôn có mặt ở những điểm nóng nhất, không quản ngại hy sinh, gian khổ để mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Luật Cảnh sát cơ động ra đời sẽ góp phần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của lực lượng đặc biệt này trong bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời khắc phục những quy định còn hạn chế, bất cập hoặc không phù hợp có liên quan. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm tránh mâu thuẫn với các luật hiện hành, chồng chéo lên những lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật khác. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) và một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về quy định huy động người, phương tiện, lực lượng khi trong trường hợp cấp bách của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động như quy định của dự án Luật. Cụ thể, cần quy định rõ hơn những trường hợp nào được coi là cấp bách, mức độ huy động tối đa tới đâu...

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Phạm Trường Sơn (Thừa Thiên Huế) cho rằng, quy định “cứng” về việc cảnh sát cơ động có quyền huy động, sử dụng mọi thiết bị, lực lượng trừ trường hợp thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bộ Ngoại giao như dự án Luật hoàn toàn có thể dẫn tới việc triển khai chồng chéo lên thẩm quyền của lực lượng quân đội. Quy định về quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái của cảnh sát cơ động về lâu dài có nguy cơ gây bất cập cho công tác, nhiệm vụ hiện nay của quân chủng phòng không - không quân. Bên cạnh đó, việc dự án Luật cho phép cảnh sát cơ động sử dụng tàu bay, tàu thủy trong thực thi nhiệm vụ còn có thể gây tốn kém, lãng phí và tiếp tục chồng lấn đối với công tác của các lực lượng khác. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên sử dụng cụm từ “phối hợp, hiệp đồng tác chiến với quân đội”, thay vì giao “khoán” mọi vấn đề đã nêu cho cảnh sát cơ động. Về quy định cuối cùng của Điều 10 dự án Luật, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ nội dung “những quyền khác” mà cảnh sát cơ động được trao thay vì nói chung chung, có thể gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, các quy định của dự án Luật cần được phân loại kỹ hơn để thể hiện rõ nét mức độ nghiêm trọng, sự hiện diện của pháp luật trong những trường hợp cụ thể. Đơn cử như đối với việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý, cần có hàng rào pháp lý nghiêm ngặt. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, thay vì chờ đợi cơ quan chức năng, các bên liên quan trong một vụ việc về sở hữu trí tuệ hoàn toàn có thể chủ động thể hiện quyền lợi của bản thân như tự lên tiếng hoặc kiện bên vi phạm ra tòa để được thụ lý, giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật cần giữ nguyên các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong sở hữu trí tuệ, thay vì dồn mọi trách nhiệm liên quan cho tòa án dân sự. Có như vậy, mới không ảnh hưởng đến các quyền dân sự theo pháp luật hiện hành, đồng thời không gây áp lực không đáng có về nguồn nhân lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xử lý các vụ việc tại tòa án dân sự.