Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa

NDO -

Đồng tình với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất cần tạo cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực để Khánh Hòa phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của mình.

Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, chiều 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tiềm năng, lợi thế vượt trội

Bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về đề nghị ban hành Nghị quyết, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu rõ, Khánh Hòa nằm ở trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đại biểu phân tích, trong liên kết vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và hội nhập quốc tế thông qua Biển Đông và khu vực ASEAN, Khánh Hòa có nhiều lợi thế vượt trội với các giá trị ngoại hạng cấp quốc gia và toàn cầu, khi có quân cảng và sân bay quốc tế, có vị thế địa chiến lược đặc biệt quan trọng, có bờ biển dài, với mật độ đảo đứng thứ ba cả nước, có thềm lục địa và vùng lãnh thổ rộng lớn với nguồn tài nguyên biển đa dạng, giàu có với cảnh quan biển đảo, bờ biển đẹp độc đáo.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, biển và tiềm năng kinh tế biển là những yếu tố then chốt của Khánh Hòa. Những lợi thế vượt trội của Khánh Hòa đã được nhận diện và nếu được phát huy đúng tầm sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Do đó, đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng và là quá trình thể chế hóa cơ chế chính sách để giúp Khánh Hòa khắc phục, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế vượt trội giúp Khánh Hòa đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0
Đại biểu Tạ Đình Thi đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nêu rõ, việc thực hiện thí điểm thành công đối với Khánh Hòa sẽ là bài học không chỉ đối với 27 tỉnh, thành phố ven biển còn lại trên cả nước, mà còn đối với các địa phương ven biển khác trên thế giới.

Cho rằng tỉnh Khánh Hòa có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược chính trị, kinh tế về biển và hải đảo đối với nước ta, đại biểu nêu quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Bày tỏ ủng hộ các nhóm chính sách mới trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng cần phân tích kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ, làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi, thiết thực và hiệu quả của các chính sách sau khi được ban hành.

Chính sách ưu đãi cần khả thi và hấp dẫn

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng bày tỏ đồng tình cao với 11 nhóm chính sách như dự thảo Nghị quyết, trong đó có 7 nhóm chính sách tương tự như các chính sách đặc thù của một số tỉnh đã áp dụng.

Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, không phải tỉnh nào cũng khai thác hiệu quả 7 nhóm chính sách trên. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm của các tỉnh đã áp dụng trước để vận dụng phù hợp nhằm khai thác hiệu quả chính sách.

Đối với nhóm chính sách mới, đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu cho rằng, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển là hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu nhấn mạnh, ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đại biểu, khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề vươn khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, nhưng đối mặt rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai. Vì vậy, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi, thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần bảo đảm tính khả thi cao hơn cho các chính sách đã đề ra trong Nghị quyết, thể hiện rõ hơn nữa quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Đại biểu cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực, có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho phát triển khu kinh tế này.

Đối với cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, đại biểu Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định, phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, cùng phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế sẽ góp phần đưa Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, nhất là đối với huyện đảo Trường Sa.

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0
Đại biểu Hà Quốc Trị phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Đại biểu Hà Quốc Trị cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm, trong đó có chủ trương thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có thông báo thu hồi đất; đồng thời với trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09.

Đại biểu khẳng định, khu vực Bắc Vân Phong thuộc Khu Kinh tế Vân Phong là 1 trong 3 địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Vì vậy, các chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu Kinh tế Vân Phong. Trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương và phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, bảo đảm tính minh bạch.

Phát triển Khánh Hòa thành 1 cực tăng trưởng

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa, tạo động lực để tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới, khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của Khánh Hòa, trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng bảo đảm mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Đồng tình với ý kiến các đại biểu nêu phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với tỉnh Khánh Hòa và các Bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới và được nhiều đại biểu đồng tình.

Giải trình về việc cho phép điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của Khu Kinh tế Vân Phong để thực hiện trước, Bộ trưởng cho biết, từ khi bắt đầu lập chủ trương đầu tư cho đến khi giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước. Nếu thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án thì sẽ rút ngắn được 6-12 tháng, còn tất cả quy trình vẫn giữ nguyên để bảo đảm đúng quy định, đúng quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.

Về thí điểm tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hiện Quốc hội đã cho chủ trương và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình nghiên cứu xin phép Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm thực hiện trước, nếu được sẽ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có chiến lược để thực hiện các dự án lớn.

Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có vị trí đặc biệt nhưng chủ yếu vẫn thu hút các nhà đầu tư nhỏ, trong khi chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, chiến lược, thu hút các dự án lớn, quy mô, có tính lan tỏa, dẫn dắt, đột phá. Vì vậy, dự thảo nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp như đã báo cáo trong Tờ trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội cần có cam kết về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.

Tạo cơ chế đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa -0Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận. (Ảnh: LINH KHOA)

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến đại biểu nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển Khánh Hòa thành 1 cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV