Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Ngày 6-6-2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Nhằm đẩy mạnh công tác này theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội; định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao phải trên cơ sở nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động,...

Tăng cường công tác quản lý nhà nước; sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao phải bảo đảm về số lượng và cơ cấu nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu sử dụng của các đơn vị. Chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo; tăng cường quản lý chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học và thực hành tay nghề,...

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo chuẩn trình độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Ðổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kinh phí; tập trung đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế; xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao,...