Tăng cường quản lý, chỉ đạo trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị

NDO -

Sáng 14/7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành Hội nghị tổng kết công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, vừa qua Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, trong đó đòi hỏi rất cao về tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; về các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị nói chung và đào tạo Trung cấp lý luận chính trị nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, đối với các trường bộ, ngành được giao đảm nhận đào tạo Trung cấp lý luận chính trị đòi hỏi rất nỗ lực, cố gắng để nâng cao năng lực đào tạo; công tác quản lý, thực hiện nội dung chương trình; kiểm tra, đánh giá… phải rất nghiêm túc, chất lượng. Đặc biệt phải xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ đào tạo. Do đó, thời gian tới, đòi hỏi các trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cũng cần phải rà soát, đánh giá lại nhiệm vụ này để có định hướng, giải pháp cụ thể

Hiện, cả nước có 11 trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Từ ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Hội nghị tập trung bàn thảo rõ một số nội dung chủ yếu sau: Về kết quả công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường 5 năm qua;  những hạn chế, thiếu sót, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản; những bất cập trong việc xác định đối tượng, mục tiêu, nội dung chương trình; khó khăn,  trong việc triển khai đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của nhà trường…

Hội nghị đã nêu lên phương hướng, nhiệm vụ  giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Theo đó, tăng cường vai trò quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;  tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với công tác này; Đổi mới công tác quản lý, đào tạo Trung cấp lý luận chính trị của trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.