Sôi động cuộc đua vào Thượng viện Nhật Bản

NDO - Chiến dịch tranh cử Thượng viện Nhật Bản đang bước vào giai đoạn nước rút. Theo kết quả thăm dò dư luận của hãng tin Kyodo, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và đảng Công minh sẽ duy trì thế đa số sau cuộc bầu cử ngày 10/7 tới.
Lần đầu tiên tỷ lệ ứng cử viên nữ tranh cử Quốc hội Nhật Bản vượt 30%. (Ảnh: REUTERS)
Lần đầu tiên tỷ lệ ứng cử viên nữ tranh cử Quốc hội Nhật Bản vượt 30%. (Ảnh: REUTERS)

Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế sẽ được bầu lại theo định kỳ ba năm/lần. Trong cuộc bầu cử năm nay, 125 ghế sẽ được bầu lại, trong đó 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và một ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa. Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 545 ứng cử viên, cao nhất từ trước tới nay, trong đó 367 ứng cử viên tranh cử theo hình thức bầu cử trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 178 ứng cử viên tranh cử theo hình thức đại diện tỷ lệ. Có tới 181 ứng cử viên nữ, chiếm 33,2%, là lần đầu tiên tỷ lệ ứng cử viên nữ tham gia bầu cử tại hai viện của Quốc hội Nhật Bản vượt 30% kể từ năm 1946, cho thấy nỗ lực cải thiện bình đẳng giới tại quốc gia Đông Bắc Á.

Cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần lắng dịu ở Nhật Bản. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng yen, tình trạng giá cả hàng hóa leo thang và sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng đang tác động tiêu cực đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Nhìn chung, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử Thượng viện Nhật Bản thường chỉ ở mức khoảng 50%. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 48,8%, thấp thứ 2 trong lịch sử. Phần lớn cử tri đi bỏ phiếu là người trung niên hoặc cao tuổi, do Nhật Bản có cơ cấu dân số già, cộng với việc giới trẻ ít quan tâm các vấn đề chính trị.

Theo các cuộc điều tra xã hội trước bầu cử, cử tri Nhật Bản đang quan tâm những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đời sống như đồng yen mất giá và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang (với 39% số người được hỏi); vấn đề kinh doanh và việc làm (33%); vấn đề lương hưu, y tế và chăm sóc sức khỏe (32%); các biện pháp đối phó khả năng tái bùng phát dịch Covid-19… Ngoài ra, những vấn đề khác như sửa đổi hiến pháp, chính sách môi trường, năng lượng, giáo dục và chính sách an ninh liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên… cũng là những tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng.

Cũng theo kết quả các cuộc khảo sát, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio vẫn duy trì ở mức hơn 60% trong chín tháng liên tiếp. 51,6% số người được hỏi ủng hộ các giải pháp hỗ trợ người dân đối phó với “bão giá”. Liên quan các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội hậu Covid-19, 65,4% số người được hỏi bày tỏ đồng tình với chính sách chống dịch của Chính phủ và hơn 60% nhất trí với chủ trương tiếp nhận khách du lịch nước ngoài cũng như mở rộng các chương trình kích cầu du lịch ra tất cả các địa phương trong cả nước.

Về mức độ ủng hộ các đảng phái trước bầu cử, đảng cầm quyền LDP đang dẫn đầu với 30,1% tỷ lệ ủng hộ, còn đối tác của LDP là đảng Công minh chiếm 5%. Về phía các đảng đối lập, đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) có tỷ lệ ủng hộ 5,3%, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) có 4,9% và đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) có 1,9%. Với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp, CDPJ và DPFP đang nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri và giữ nguyên số ghế của mình ở Thượng viện, trong khi JIP hy vọng giành được nhiều hơn số ghế mà đảng này có trước bầu cử.

Các kết quả thăm dò dư luận ngay trước ngày bầu cử cho thấy, LDP có thể giành tới 60 trong tổng số 125 ghế sẽ được bầu lại, tăng 5 ghế so với trước bầu cử. Do đảng Công minh có thể cũng giành được kết quả tốt nên liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh gần như chắc chắn sẽ giành được thế đa số tại Thượng viện sau bầu cử, do hai đảng vẫn còn 69 ghế khác chưa tới thời gian bầu lại ở cơ quan lập pháp này.