Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi

NDO -

Với chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”, Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức trực tuyến tối 28/10. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên thảo luận, theo lời mời của Tổng thống Kenya, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 10/2021.

Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.
Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.

Cùng tham dự Phiên thảo luận có lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo, Tổng thống Tunisia Kais Saied, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines Ralph Gonsalves… Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed và Cao ủy Quỹ Hòa bình Liên minh châu Phi Donald Kaberuka tham dự.

Tại Phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều đề cao vai trò của Liên minh châu Phi trong bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh tại khu vực, thông qua các sáng kiến, như Ngừng tiếng súng ở châu Phi vào năm 2030; đánh giá cao hợp tác toàn diện giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh.

Các nước nêu rõ những thách thức truyền thống và phi truyền thống mà nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt; khuyến khích tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi, giữa các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng và duy trì hòa bình.

Trong phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cao các thành tựu nổi bật các nước châu Phi đã đạt được, khi ngày càng gắn kết với các khu vực khác về chính trị, kinh tế-thương mại, giao lưu văn hóa, con người và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định, nhiều nước châu Phi vẫn phải gánh chịu những hậu quả dai dẳng của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ, cũng như các bất ổn, xung đột, khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và nguồn nước…, đang kìm hãm đà phát triển của châu lục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những đề xuất giải pháp để cộng đồng quốc tế có thể chung tay hỗ trợ các nước châu Phi tái thiết và phát triển đất nước, ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiều quốc gia châu Phi và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng chung lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và phi thực dân hóa; hai bên luôn hợp tác, ủng hộ và dành cho nhau những tình cảm chân thành, tốt đẹp nhất. Việt Nam luôn sát cánh cùng các nước châu Phi vượt qua khó khăn, mở rộng hợp tác hiệu quả, hướng tới hòa bình và phát triển. Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiều sĩ quan, bác sĩ quân y của Việt Nam đang làm việc tại các Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và sẽ tiếp tục hiện diện tại các Phái bộ khác ở châu Phi. Việt Nam mong muốn sớm trở thành quan sát viên ở Liên minh châu Phi.

Liên minh châu Phi là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hoạt động hợp tác nhất với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực hòa bình, an ninh. Trong nhiều năm qua, các vấn đề hòa bình, an ninh tại châu Phi luôn chiếm gần 60% số đề mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang triển khai nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua 12 Nghị quyết nhằm thể chế hóa cơ chế hợp tác, trao đổi thường niên giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi về ngăn ngừa và quản lý xung đột, triển khai hoạt động của các Phái bộ chung giữa Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi. 

Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi cũng được thể hiện rõ thông qua các cơ chế khác và các văn kiện chung quan trọng, được thể chế hóa thông qua việc thành lập Văn phòng Liên hợp quốc tại Liên minh châu Phi vào năm 2010.