Suy ngẫm về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NDO -

Bài viết có thể được coi là một tài liệu nổi bật nhất từ quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn con đường đi đúng đắn, tiếp thu những bài học nhằm tránh đi vào con đường sai lầm dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Bài viết cũng là một tham chiếu giá trị cho các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam tiếp nối hành trình đã đề ra hướng tới năm 2045.

Tiến sĩ RUVISLEI GONZÁLEZ SAEZ. (Ảnh: TTXVN)
Tiến sĩ RUVISLEI GONZÁLEZ SAEZ. (Ảnh: TTXVN)

Bài viết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có nội hàm đặc biệt, được ra đời ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời điểm Việt Nam đang tích cực chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đối mặt với thách thức do đại dịch gây ra, các nước đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ khả năng phục hồi và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong khi chủ nghĩa tư bản đang chìm trong cuộc khủng hoảng cấu trúc mang tính hệ thống. Ngay cả khi chủ nghĩa tư bản đủ khả năng đối phó và vượt qua hoàn cảnh hiện tại thì chỉ giới tư bản được hưởng lợi là chính, chứ không phải đại đa số quần chúng nhân  dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những cách tiếp cận cần thiết cho thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội sau sự sụp đổ của cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sau sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Sau quá trình đó, trên thế giới hiện chỉ còn 5 quốc gia là Trung Quốc, Cuba, Lào, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Việt Nam tiếp tục đi theo mô hình này. Ở các nước này, xuất hiện nhiều nhà lý luận xuất sắc với nhiều đóng góp vào việc xây dựng nền tảng về sự cần thiết hướng tới phát triển một xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích rõ việc hiểu thế nào về chủ nghĩa xã hội và các hình thái thể hiện, làm sáng tỏ đối với các nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin rằng thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không thể giống nhau ở các nước cùng theo đuổi mô hình này. Điều quan trọng là nhận thức được những đặc điểm văn hóa - xã hội riêng biệt của từng nước trong giai đoạn quá độ sẽ dẫn đến việc phát triển đường lối với các đặc thù riêng của mỗi nước.

Với bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một di sản, làm rõ một số tư tưởng đã được thể hiện trong các công trình nghiên cứu của ông được công bố vào đầu thế kỷ XXI: Chủ nghĩa xã hội được đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay. Chủ nghĩa xã hội được xây dựng tại Liên Xô đã đóng góp những kinh nghiệm to lớn, nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết như chủ quan duy ý chí, phiến diện, giáo điều, quan liêu, thiếu ý tưởng và điều đó dẫn đến việc xa rời thực tiễn, xa rời các quy luật khách quan. Nhiều lần nhà lãnh đạo Việt Nam đã đề cập đến những tồn tại này, không chỉ dũng cảm phê phán mà còn khách quan chỉ ra các vấn đề bất cập và cần phải khắc phục chỗ nào. Đồng thời, ông cũng vạch trần việc các lực lượng thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng những bất cập này để chống phá.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập tới những quan điểm của nhiều nhà phân tích, học giả và chính trị gia trên thế giới, là sự đánh giá về phương thức của Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Đây không phải là sự dẫn dắt, mà là một tham chiếu lý luận trong việc hoạch định phương hướng, đóng góp các bài học cho các tiến trình khác đi lên chủ nghĩa xã hội với những kết quả và đặc thù riêng; đồng thời, chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội có chức năng và tạo dựng cách thức sản xuất dẫn đến việc cải thiện điều kiện của con người. Điều này không chỉ phản bác, mà còn tước bỏ căn cứ các luận điểm xuyên tạc của phương Tây chống chủ nghĩa xã hội.

Bài viết có thể được coi là một tài liệu nổi bật nhất từ quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn con đường đi đúng đắn, tiếp thu những bài học nhằm tránh đi vào con đường sai lầm dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Bài viết cũng là một tham chiếu giá trị cho các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam tiếp nối hành trình đã đề ra hướng tới năm 2045.

Tính khách quan và hợp lý cũng được nhà học giả Việt Nam thể hiện trong bài viết khi công nhận rằng “Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển  khoa học - công nghệ”, cho phép đất nước tiếp thu một số kinh nghiệm tích cực đó và đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình triển khai công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986. Nhưng bài viết cũng chỉ ra rằng “Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra”. Cách tiếp cận thực tế của ông với tư duy phù hợp với thời đại hiện nay cùng chủ nghĩa thực tiễn mạch lạc đã tổng hợp sự hợp lý và tiến bộ nhất của tư tưởng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc tả hiện thực của hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện nay và những mặt trái mà nó gây ra. Bằng lôgíc mạch lạc, nhà lãnh đạo Việt Nam vạch trần các hệ thống dân chủ giả tạo. Những tập đoàn truyền thông lớn được tư bản tài trợ cố gắng thuyết phục rằng dân chủ chỉ có thể có ở chủ nghĩa tư bản. Nhưng với những thí dụ rõ ràng đã chứng minh rằng những thứ được gọi là tấm gương dân chủ trên thế giới dưới hình thức đa đảng chỉ là vẻ bề ngoài, bởi vì các xã hội được cho là tự do bầu chọn chỉ là hình thức, trong khi về bản chất là không tồn tại sự tự do hoàn toàn, không có các quyền, đặc biệt là quyền được sống tốt hơn, bao gồm quyền tiếp cận y tế, giáo dục,... Những nhận định của Tổng Bí thư có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của đất nước cũng như đối với các xu thế tự do vốn đang nhen nhóm tại Việt Nam và một số nước khác đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Một bài học lớn được Tổng Bí thư đề cập là phải hiểu như thế nào về thực tế lịch sử cụ thể của từng tiến trình, bao hàm giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội phải tính đến đặc thù riêng của từng quốc gia. Sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã đương đầu với hai cuộc chiến tranh lớn, sự bao vây cấm vận kinh tế - tài chính, sự cô lập chính trị, cũng như phải đối phó với các cuộc tấn công chủ quyền thường xuyên, vì vậy, bài viết phân tích rằng không được quên quá khứ ngay trong tiến trình xây dựng tương lai.

Một câu hỏi mà không ít người, gồm cả những người cộng sản và những kẻ gièm pha chủ nghĩa xã hội, đặt ra là chủ nghĩa xã hội là gì, làm thế nào để đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong tiến trình cụ thể của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ một số hoài nghi có thể có về tương lai, gồm:

- Xã hội xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng.

- Mục tiêu hướng tới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Đất nước đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và từ quan điểm mácxít, điều quan trọng là phát triển các lực lượng sản xuất đạt tới trình độ trở thành một nước phát triển (điều này liên quan đến chiến lược được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: đến năm 2030 - mốc kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và đạt mức thu nhập trung bình cao. Vào năm 2045 - mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển với mức thu nhập cao).

- Đi lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, phức tạp.

- Sự bình đẳng giữa các dân tộc trong khối đại đoàn kết dân tộc và sự tôn trọng giữa tất cả các cộng đồng.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một thuật ngữ chưa từng được sử dụng trong thời Liên Xô. Thuật ngữ mà nhiều người liên tưởng đến chủ nghĩa tư bản, nhưng điều đó cho thấy rằng không ai có thể đứng trên luật pháp, Nhà nước và Chính phủ phải là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Bài viết theo phương pháp duy vật biện chứng cho thấy diễn biến lịch sử phát triển cụ thể mà Việt Nam đã trải qua và thực trạng của một nước chậm phát triển với lực lượng sản xuất ở trình độ thấp, trong đó nông nghiệp chiếm ưu thế và hướng tới quá trình công nghiệp hóa nhằm đạt được mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Việt Nam gắn kết với nguyên tắc mác-xít nhằm cụ thể hóa chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia với trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất.

Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định rằng “đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng”. Do đó, Tổng Bí thư làm rõ việc không chỉ sự thừa nhận thị trường, mà cả tầm quan trọng của các quy luật khách quan của thị trường, nhưng được quản lý và điều tiết bởi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hay nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ vì đang trong thời kỳ quá độ. Không phải ngẫu nhiên mà theo những quan niệm này, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở châu Á, đồng thời là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất vào năm 2020.

Bản sắc dân tộc không thể bị đánh mất. Ngay cả khi sáng tạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội và tinh thần của Việt Nam.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đưa ra những thành tựu đạt được trong thực tế, mà còn đề cập đến những con đường đã lựa chọn dẫn đến kết quả đó. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi chuyển đổi đều thực hiện dưới sự dẫn dắt của Đảng như là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi trên tư cách lãnh đạo của mình, chứ không phải là các chỉ lệnh mang tính đa đảng hòng phục vụ cho mục tiêu thắng cử; đáp ứng các mục đích thực sự mà Đảng đề ra và phản bác các luận điệu tuyên truyền tiêu cực chống Đảng.

Với kết quả đạt được sau 35 năm, giá trị của tiến trình cải cách kinh tế - xã hội, được hiểu là công cuộc đổi mới, đã được khẳng định. Điều này có thể được thể hiện qua việc đất nước đã giải quyết được một vấn đề nhức nhối của cả nhân loại, đó là vấn đề an ninh lương thực, vốn trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Điều đó cũng phải kể đến sự đóng góp của ngành công nghiệp và ứng dụng từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mặc dù bài viết ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà đất nước đã đạt được trong những năm gần đây, nhưng cũng đặt ra những nhiệm vụ không chỉ cho thế hệ lãnh đạo hiện tại mà cho cả các thế hệ tương lai trên con đường từ nay đến năm 2045 để đạt được các mục tiêu xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ giảm khoảng cách giàu nghèo cũng như chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhiều dịch vụ khác. Mặt khác, như đã được chỉ ra từ năm 1994, các vấn đề tồn tại cần được quan tâm xử lý quyết liệt và thường xuyên như tình hình tội phạm, nạn tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây không phải là vấn đề mới và sẽ còn tiếp tục gây ảnh hưởng.

Ngoài ra, các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài không ngừng tìm mọi cách và thủ đoạn can thiệp, phá hoại, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kích động thay đổi chế độ. Ngày nay, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đang phải đối mặt với quá trình này với mức độ khốc liệt khác nhau, vì vậy cũng cần có những hành động chung nhằm chống lại các cuộc chiến tranh thế hệ thứ tư, trong đó không gian mạng được xác định là một chiến trường chính.

Thành công hay thất bại phụ thuộc trước hết vào đường lối đúng đắn, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Một bài học mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra trong bài phân tích của mình, đó là trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài sự tác động của thế giới và những thời điểm đang trải qua của quốc gia đó. Vì vậy, phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, bình đẳng, cùng có lợi.

Không nghi ngờ gì nữa, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận - thực tiễn. Bài viết này thậm chí có thể là một phần trao đổi lý luận giữa các Đảng Cộng sản và các Trường Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm trao đổi kinh nghiệm và các bài học. Đây là một đóng góp lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là một học giả về chủ nghĩa xã hội, thậm chí bài viết của ông còn là một tài liệu tham khảo cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới phấn đấu cho sự phát triển của các xã hội công bằng nhất.