Ðồng chí K’Mák, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh Lâm Ðồng:

Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Ðồng

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh và là người con đồng bào dân tộc bản địa nam Tây Nguyên, đồng chí đánh giá và cảm nhận như thế nào về sự đổi thay ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Lâm Ðồng?

Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Ðồng

Ðồng chí K’Mák: Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh, tôi có điều kiện để về cơ sở, đến với bà con các buôn làng. Tôi rất vui khi được nghe già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn nói rằng: “Lâm Ðồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa”. Bà con mình cái bụng nghĩ sao thì nói vậy, ngắn gọn, nhưng đã diễn tả được sự đổi mới vượt bậc trên những vùng đất khó khăn một thời ở tỉnh nhà. Hệ thống giao thông chất lượng đã phủ khắp, tất cả các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô-tô đến trung tâm. Những đôi chân của bà con đồng bào Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông bản địa và bà con DTTS từ nhiều vùng, miền Tổ quốc chọn cao nguyên này làm quê hương, giờ thoải mái đi về trên những cung đường trải nhựa, trải bê-tông; tất cả các thôn tại Lâm Ðồng đã có điện lưới quốc gia, y tế, bưu điện, được phủ sóng truyền hình; các xã vùng đồng bào DTTS đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Dù đời sống một bộ phận người đồng bào DTTS còn khó khăn, song, nhìn tổng thể quá trình phát triển, những vùng đất “khó” một thời nay đã thay đổi vượt bậc, toàn tỉnh đã có 104 trong số 111 xã và ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới như một kỳ tích. Cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS lên đến 19,1%, nay giảm còn 3,58%. 

PV: Ðể có được sự đổi thay vượt bậc như đồng chí đã nói, thì đâu là yếu tố cốt lõi làm nên những điều đó?

Ðồng chí K’Mák: Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ T.Ư và các bộ, ngành; sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, ý thức tự vươn lên của người dân, đã mang lại diện mạo mới ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS tại Lâm Ðồng; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, ý thức tự vươn lên của người dân, cùng những giải pháp phù hợp của địa phương, chính là điều căn cơ giúp những vùng khó khăn một thời tại Lâm Ðồng phát triển nhanh và bền vững.

Ngày nay, đồng bào DTTS ở Lâm Ðồng rất quan tâm tìm hiểu, học hỏi những thông tin, kiến thức mới để phát triển kinh tế; giao lưu, tiếp nhận cuộc sống hiện đại nhưng vẫn ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Ðặc biệt là tinh thần đoàn kết, sẻ chia để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh. Cùng với đó, thời gian qua, từ các chương trình, dự án phát triển, hỗ trợ xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm. 5 năm gần đây, tổng nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tại Lâm Ðồng hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp 1.900 tỷ đồng; thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Tỉnh đã xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững với 29 xã, 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trên những vùng đất khó.

Và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là người DTTS cũng là “chìa khóa” quan trọng trong quá trình phát triển ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Toàn tỉnh hiện có hơn bốn nghìn đảng viên là đồng bào DTTS, chiếm hơn 10% tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MAI VĂN BẢO

 (Thực hiện)