Sự phát triển vượt bậc của công nghiệp công nghệ thông tin và triển vọng đột phá tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam

Giáo sư NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị,

Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

20 năm phát triển vượt bậc của công nghiệp công nghệ thông tin

Trước năm 2000, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, viễn thông ở Việt Nam được thống kê riêng. Tuy nhiên 20 năm qua, quá trình tích hợp, hội tụ của ba lĩnh vực này ngày càng sâu sắc, giờ đây, được coi là ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin - truyền thông (gọi tắt là công nghiệp CNTT - TT).

Năm 2000, đóng góp của công nghiệp CNTT - TT chỉ khoảng 0,5% GDP của Việt Nam, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Và ngành công nghiệp CNTT - TT được coi là ngành kinh tế (cấp 2) nhỏ, thua kém các ngành khác như nông nghiệp, dầu khí, thương mại, xây dựng. Tuy nhiên sau 20 năm, công nghiệp CNTT - TT đã có bước phát triển nhảy vọt. Doanh thu năm 2019 là 120 tỷ USD, gấp 400 lần năm 2000, tương ứng mức tăng trưởng bình quân 37%/năm trong suốt 19 năm. Số lao động là 1.030.000 người, gấp 20 lần năm 2000, chiếm 1,88% tổng số lao động Việt Nam. Năng suất lao động gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Ðóng góp 14,3% vào GDP của Việt Nam, gấp 28 lần năm 2000 (0,5% GDP). Xuất khẩu giá trị 89,2 tỷ USD, chiếm 33,7% xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu mà một lao động tạo ra trong một năm gấp 18 lần bình quân cả nước. Từ chỗ là một ngành công nghiệp nhỏ bé của Việt Nam, sau 20 năm, công nghiệp CNTT - TT đã trở thành ngành kinh tế (cấp 2) lớn nhất của Việt Nam, có mức tăng trưởng cao nhất, có năng suất lao động cao nhất và giá trị xuất khẩu lớn nhất. Lao động của ngành CNTT - TT chỉ 1,03 triệu người, thấp hơn năm ngành cấp 2 khác (thương mại; xây dựng; du lịch, ăn uống; giáo dục đào tạo; vận tải - kho bãi), nhưng đóng góp vào GDP của Việt Nam lớn nhất (14,3%). Ngành nông - lâm - ngư nghiệp, ngành kinh tế cấp 1, với 18,8 triệu lao động, đóng góp 13,96% GDP, thấp hơn ngành CNTT - TT.

Chính nhờ năng suất lao động của ngành CNTT - TT gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân của cả nước, gấp gần 19 lần năng suất lao động ngành nông nghiệp mà ngành CNTT - TT trở thành ngành kinh tế (cấp 2) lớn nhất Việt Nam, dù chỉ sử dụng 1,03 triệu lao động.

Giá trị đóng góp của ngành CNTT - TT vào GDP cũng lớn hơn tổng giá trị đóng góp của bốn ngành: du lịch, giáo dục và đào tạo, vận tải - kho bãi và y tế là 13,7% GDP, với tổng số lao động là 7,26 triệu người. Tức là, do năng suất cao gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước mà một triệu lao động CNTT - TT đóng góp vào GDP nhiều hơn 7,28 triệu lao động ngành thương mại, 7,26 triệu lao động của bốn ngành du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế và vận tải - kho bãi, 18,8 triệu lao động của ngành nông - lâm - ngư nghiệp và hơn gấp hai lần đóng góp của 4,6 triệu lao động ngành xây dựng.

Nếu có thể tăng gấp hai lần số lao động ngành CNTT - TT (lên hai triệu người) thì đóng góp của ngành CNTT - TT có thể đạt gần 30% GDP. Ðây chính là triển vọng vô cùng to lớn để tăng trưởng kinh tế bằng năng suất lao động cao dựa trên ngành CNTT - TT.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 264,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử là 89,2 tỷ USD; dệt may là 32,85 tỷ USD; giày dép là 18,32 tỷ USD; máy móc, thiết bị khác là 18,3 tỷ USD; nông sản là 16,91 tỷ USD; gỗ và các sản phẩm gỗ là 10,6 tỷ USD. Như vậy, ngành CNTT - TT có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước, gấp 2,7 lần ngành hàng thứ hai là dệt may.

Công nghiệp CNTT - TT của Việt Nam có thể phát triển vượt bậc như là do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, nhân lực của Việt Nam cần cù, chịu khó, có trình độ đào tạo cơ bản (trung học phổ thông) tốt. Xếp hạng đánh giá học sinh trung học cơ sở của Việt Nam do quốc tế thực hiện năm 2012 và 2018 ở ba lĩnh vực: đọc hiểu, khoa học và toán, học sinh ở Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 nước cao nhất thế giới (Ðánh giá PISA). Ðào tạo đại học của Việt Nam cũng có nền tảng cơ bản tốt, còn hạn chế về thực hành. Qua thực tế và huấn luyện bổ sung, đội ngũ kỹ sư Việt Nam làm ở các doanh nghiệp đều nhanh chóng làm chủ các công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, năng lực toán học của học sinh và sinh viên Việt Nam nhìn chung thuộc nhóm trên trung bình. Các cuộc thi toán quốc tế, đội tuyển Việt Nam thường nằm trong 10 nước có kết quả cao nhất thế giới. Qua 10 năm thực hiện "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020", Toán học Việt Nam có số công trình khoa học được công bố năm 2019 gấp 2,5 lần năm 2010, xếp hạng từ thứ 55 trên thế giới năm 2010 đã tăng lên thứ 35 - 40 năm 2019, đứng đầu ASEAN từ năm 2014.

Thứ ba, do GDP đầu người của Việt Nam thấp nên chi phí lao động ở Việt Nam thấp so với các nước có thu nhập cao (trên 15.000 USD/người/năm) thường là từ sáu đến 10 lần. Ðây là điều rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, nhân lực Việt Nam dồi dào, cả ngắn hạn và dài hạn. Với dân số gần 100 triệu người, tỷ suất sinh đạt mức thay thế 20 năm liên tục (2000 - 2020) (bình quân xấp xỉ 2,1 con/1 phụ nữ) và với chính sách dân số mới của Việt Nam từ năm 2015, duy trì tỷ suất sinh thay thế lâu dài, thì nhiều khả năng Việt Nam có thể duy trì tỷ suất sinh thay thế hơn 10 năm nữa. Tức là, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có cơ cấu dân số vàng liên tục 30 năm.

Thứ năm, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo thông lệ quốc tế, môi trường kinh doanh được cải thiện, đối thoại và Chính phủ điện tử ngày càng phát huy tác dụng.

Thứ sáu, cước phí viễn thông nói chung, nhất là in-tơ-nét băng rộng cố định của Việt Nam rẻ nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ bảy, xã hội Việt Nam ổn định, suốt 45 năm qua (1975 - 2020) không có biến động xã hội theo hướng bất ổn, xung đột chính trị, tôn giáo, dân chủ ngày càng được phát huy, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, uy tín Việt Nam được nâng cao, chương trình xóa đói, giảm nghèo được kết quả quan trọng.

Thứ tám, Việt Nam nằm ở châu Á, khu vực có dân số lớn nhất thế giới (hơn 4,4 tỷ người, chiếm 58% dân số thế giới), có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các châu lục khác, kết nối giao thông đường thủy và hàng không thuận lợi với thế giới.

Từ các lợi thế nêu trên, Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư từ các nước, trong đó có lĩnh vực công nghiệp điện tử, CNTT, viễn thông. Thí dụ như: Công ty Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD, Công ty LG đầu tư 1,5 tỷ USD, Microsoft đầu tư hơn 300 triệu USD, Samsung đầu tư 14,8 tỷ USD. Tổng cộng đầu tư nước ngoài ở ngành CNTT - TT trên 20 tỷ USD.

Như vậy, với khoảng một triệu lao động trong ngành CNTT - TT năm 2019, giá trị đầu tư nước ngoài trên một lao động là khoảng 20.000 USD/người lao động.

Trong toàn bộ các ngành kinh tế, không kể nông nghiệp và ngành CNTT - TT, tổng đầu tư nước ngoài thực hiện là 133 tỷ USD. So với tổng số lao động trong các ngành có đầu tư nước ngoài (không kể nông nghiệp, CNTT - TT, lao động là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lao động trong tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội) năm 2019 là 31 triệu người, thì giá trị đầu tư nước ngoài bình quân một lao động là khoảng 4.300 USD/lao động. Tức là suất đầu tư nước ngoài trên một lao động ngành CNTT - TT gấp 4,65 lần suất đầu tư nước ngoài trên một lao động của các ngành kinh tế khác (không tính nông nghiệp). Với suất đầu tư cao như vậy, các doanh nghiệp CNTT-TT có các thiết bị công nghệ tiên tiến, sản xuất chủ yếu tự động hóa, do đó năng suất lao động cao.

Thời cơ lớn từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên tất cả các ngành khoa học và ứng dụng khoa học gắn với quá trình cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa - tin học hóa và in-tơ-nét (đã diễn ra trong 250 năm 1760 - 2010), đồng thời dựa trên các lĩnh vực khoa học mới như: Quang lượng tử, vật lý hạt nhân; giải mã và biến đổi gien; ngôn ngữ học; trí tuệ nhân tạo (TTNT); điện toán đám mây, dữ liệu lớn; chuỗi khối; in-tơ-nét vạn vật... Từ đó tạo ra các thiết bị thông minh được nhúng TTNT, có thể tự động kết nối với nhau, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên để điều khiển các hoạt động của thiết bị. Các thiết bị, máy móc được trang bị cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh, hóa chất, ca-mê-ra với bộ nhớ lớn, từ đó có thể nhận dạng môi trường xung quanh, có thể nhận ra các quan hệ nhân quả, có thể học (học máy), từ đó có thể tác động trở lại môi trường, người đang giao tiếp một cách tối ưu. Ô-tô không người lái, máy bay không người lái, dịch tự động các ngôn ngữ, thiết bị hiểu tiếng nói, hoạt động theo lệnh lời nói và trả lời bằng lời nói và công nghệ in ba chiều (3D) là một số sản phẩm tiêu biểu của giai đoạn đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (2010 - 2020).

Các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ mới của giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng cung cấp các giải pháp mới cho nhu cầu của các ngành kinh tế và toàn xã hội, phục vụ người dân một cách hiệu quả cao, từ đó có lợi nhuận lớn và phát triển rất nhanh. Chỉ trong 10 năm, từ năm 2006 đến 2016, các công ty dựa trên công nghệ mới đã chiếm 8/10 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới, trong khi năm 2006 có tới 8/10 công ty dầu khí, ngân hàng là các công ty có doanh thu lớn nhất.

Việc áp dụng TTNT theo dự báo của các tổ chức tư vấn quốc tế sẽ đem lại gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành nghề và kéo theo tăng tỷ suất lợi nhuận so với trường hợp không ứng dụng TTNT là từ 6% đến 21%. Ðó là thời cơ để các doanh nghiệp cạnh tranh, mở rộng thị phần, tăng trưởng nhanh hơn. Ngược lại các doanh nghiệp không áp dụng TTNT sẽ mất dần năng lực cạnh tranh, nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.

Có thể nói, việc ứng dụng rộng rãi, triệt để TTNT, sẽ tạo nên đột phá về tăng năng suất lao động ở tất cả các lĩnh vực và vì thế mà tăng năng suất lao động toàn xã hội. Vì vậy, từ năm 2017 đến 2020, 50 nước trên thế giới đã xây dựng và công bố chiến lược quốc gia về phát triển và ứng dụng TTNT. Các ứng dụng các công nghệ 4.0 mới trải qua 10 năm đầu tiên trong chu kỳ phát triển khoảng từ 55 đến 60 năm, do đó còn quá sớm để nhận ra đầy đủ các công nghệ tạo đột phá cho phát triển cho giai đoạn này.

Tuy nhiên đến nay, một số nghiên cứu nhận định rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có vai trò đặc biệt của TTNT, sẽ tạo ra mức tăng năng suất lớn hơn mức tăng năng suất của tất cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đem lại trong 250 năm. Về mặt kỹ thuật, có thể gọi đơn giản hóa cách mạng công nghiệp lần thứ tư là "Giai đoạn phổ cập TTNT". Ðây chính là thời cơ phát triển vượt bậc cho các nước, các doanh nghiệp sớm có chiến lược nghiên cứu và ứng dụng TTNT thật sự hiệu quả và là nguy cơ tụt hậu, thua cuộc trong cạnh tranh của các nước, các doanh nghiệp không nhận thức đúng về vai trò của nghiên cứu và ứng dụng TTNT.

Triển vọng đột phá về tăng năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam

Trong 50 nước đã công bố chiến lược phát triển TTNT có bảy nước thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp (2020): Pa-ki-xtan (GDP/người 1.482 USD), Ấn Ðộ (1.877 USD), Kê-ni-a (2.075 USD), Tuy-ni-di (3.295 USD), Phi-li-pin (3.373 USD), Việt Nam (3.498 USD), In-đô-nê-xi-a (4.038 USD). Ðiều đó chứng tỏ mức độ thu nhập đầu người cao không phải là điều kiện tiên quyết để triển khai nghiên cứu và ứng dụng TTNT.

Theo chúng tôi, bảy điều kiện để có thể nghiên cứu, phát triển ứng dụng hiệu quả TTNT là: Quốc gia có nền tảng công nghiệp CNTT - TT tương đối mạnh, đã số hóa cơ bản tài nguyên dữ liệu quốc gia; có nguồn nhân lực phong phú, trình độ ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực toán học, CNTT - TT và TTNT; quốc gia có chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT hợp lý; hình thành hệ sinh thái TTNT của quốc gia, với một số trung tâm công nghệ 4.0 và TTNT của đất nước làm động lực; phát triển một số trung tâm máy tính hiệu năng cao, đạt trình độ quốc tế (siêu máy tính); hợp tác quốc tế mạnh mẽ về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng TTNT, thu hút đầu tư nước ngoài về nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0 và TTNT; coi trọng xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ 4.0 trong đó có các sản phẩm, giải pháp ứng dụng TTNT.

Ðối chiếu với tình hình đất nước hiện nay, từ bài học của 20 năm phát triển vượt bậc công nghiệp CNTT - TT, chúng tôi thấy Việt Nam đang có nhiều tiền đề quan trọng để nhanh chóng tạo nên bảy điều kiện để phát triển và ứng dụng hiệu quả TTNT, tạo đột phá tăng năng suất lao động của đất nước và đổi mới mô hình tăng trưởng trong 25 năm tới.

Thứ nhất, chúng ta có nền tảng CNTT - TT tương đối mạnh để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước vào "Giai đoạn phổ cập TTNT" trong 25 năm tới. Hiện nay, công nghiệp CNTT-TT là ngành kinh tế lớn nhất Việt Nam, đóng góp 14,3% GDP. Có thể dự báo đến năm 2025, tỷ trọng này sẽ trên 22%. Việt Nam đã bắt đầu triển khai dịch vụ viễn thông 5G từ năm 2020, là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới. Số thuê bao điện thoại di động trên 100 triệu dân đã vượt 100% từ năm 2009, hiện nay là 140%. Có 70 triệu người sử dụng in-tơ-nét, chiếm 72% dân số.

Yếu kém của Việt Nam ở đây là chưa số hóa đầy đủ các tài nguyên dữ liệu quốc gia và của các doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, tháng 6-2020 Chính phủ Việt Nam đã công bố Chương trình Quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam. Theo Forbes Việt Nam, giá trị kinh tế số của Việt Nam từ năm 2015 đến 2019 đã tăng bốn lần, từ ba tỷ USD lên 12 tỷ USD.

Thứ hai, nguồn nhân lực sẽ tiếp tục là một lợi thế của Việt Nam trong quá trình "phổ cập TTNT", mặc dù giai đoạn đầu 2020 - 2025 còn nhiều khó khăn do thiếu hụt nhân lực có chất lượng. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 700 người làm việc ở lĩnh vực TTNT, trong đó có 300 chuyên gia, còn ở nước ngoài có khoảng 900 người Việt Nam đang làm việc ở lĩnh vực này.

Năng lực đào tạo đại học ngành CNTT - TT của Việt Nam hiện nay là hơn 51.000 sinh viên/năm, đào tạo nghề (cao đẳng, trung cấp) ngành CNTT - TT là hơn 68.000 học viên/năm, tổng cộng khoảng 120.000 học viên, sinh viên/năm. Nếu chưa tính tới việc tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm hơn 1,2 triệu nhân lực CNTT - TT, tức là gấp hai lần số nhân lực CNTT - TT hiện nay.

Nếu Việt Nam có kế hoạch phát triển nhân lực tốt, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, thực hiện đại học chia sẻ và hợp tác với nước ngoài để đào tạo có chất lượng cao, thì đến năm 2045, chúng ta có thể có 3,5 triệu người làm việc trong CNTT - TT và TTNT, trong đó hơn nửa triệu người làm việc về TTNT.

Việt Nam vừa hoàn thành "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020", đưa xếp hạng Toán học Việt Nam từ vị trí thứ 55 trên thế giới lên thứ 35 - 40, đứng đầu các nước ASEAN từ năm 2014. Ngày 22-12-2020, Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030". Ðây là tiền đề rất quan trọng để hình thành "Hệ sinh thái Toán học Việt Nam", làm tiền đề rất cơ bản cho "Hệ sinh thái TTNT Việt Nam".

Thứ ba, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án "Thành phố Thủ Ðức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao", là thành phố kinh tế tri thức, thành phố TTNT lớn của Việt Nam, với dân số hiện nay hơn một triệu người và quy hoạch tới năm 2035 sẽ hơn hai triệu người. Ngoài tài nguyên 4.0 hiện có của TP Thủ Ðức hiện nay: Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (thành công nhất hiện nay với tổng đầu tư từ các doanh nghiệp khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD, 42.000 lao động chất lượng cao, đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 mở rộng thêm khoảng 160 ha (Công viên Khoa học), cụm đại học (Ðại học Quốc gia, Ðại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Ðức, Ðại học Nông Lâm, Ðại học Fulbright) với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên), Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm tài chính khu vực của Việt Nam, hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, tàu điện ngầm, cảng Công-ten-nơ lớn nhất Việt Nam Tân cảng, sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất), Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (100ha), sân gôn Thủ Ðức (300ha), sẽ có thêm các hạ tầng 4.0 mới: Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, Công viên phần mềm Quang Trung TP Thủ Ðức, Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, Trung tâm triển lãm quốc tế. Thủ Ðức là thành phố kinh tế tri thức, là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh để kết nối, lan tỏa, hợp tác với Ðồng Nai và Bình Dương, tạo nên vùng công nghiệp 4.0 lớn nhất của Việt Nam.

Giai đoạn 25 năm phát triển sắp tới của Việt Nam (2020 - 2045) nằm trọn vẹn trong hơn nửa đầu giai đoạn "Phổ cập TTNT" của nhân loại (2010 - 2055) với đột phá chưa từng có về tăng năng suất lao động. Với kết quả, bài học của 20 năm phát triển vượt bậc công nghiệp CNTT - TT, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tạo được phát triển đột phá về năng suất lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong 25 năm tới.