Sống mãi tinh thần Nguyễn Văn Trỗi

Hiên ngang, bền gan đấu tranh với giặc ngoại xâm, Nguyễn Văn Trỗi, người thanh niên công nhân thành phố Sài Gòn đã làm nên tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Anh ngã xuống, tinh thần đó vẫn sống mãi và lan tỏa.

Lễ trao Giải Nguyễn Văn Trỗi do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Lễ trao Giải Nguyễn Văn Trỗi do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Nhớ về người anh hùng

Trong tâm trạng tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của chồng mình (15-10-1964), cô Phan Thanh Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi luôn nhắc về cây cầu Công Lý nằm ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh). Cô nói: "Cây cầu là nơi hò hẹn, gặp gỡ khi hai người mới yêu nhau. Và cũng là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn trong những năm tháng kháng chiến của anh Tư Trỗi. Nay, mỗi lần đi qua, cảm giác của cô lại dâng trào, hoài niệm".

Tham gia tổ chức Biệt động thành thuộc đơn vị Ðại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn, chàng công nhân trẻ tuổi của Nhà máy điện Chợ Quán Nguyễn Văn Trỗi, đã sớm thể hiện lòng dũng cảm, can trường. Năm 1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Ro-bớt Mắc Na-ma-ra dẫn đầu. Kế hoạch bại lộ, ngày 2-5-1964, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt.

Hay tin chồng mình bị bắt giam, người vợ không tin đó là sự thật. Cô Quyên nhớ lại: "Lúc đó mình không biết chồng là Việt cộng, chỉ biết anh là người từ Ðiện Bàn (Quảng Nam) vào đây làm công nhân với những đức tính giản dị, chăm chỉ. Việc tham gia chiến đấu, anh không hề chia sẻ, cho hay".

Ngày bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa ra hành quyết tại Khám Chí Hòa, trước họng súng kẻ thù, Nguyễn Văn Trỗi vẫn giữ khí phách, hiên ngang không đồng ý bịt mắt. Anh hô vang: Hãy nhớ lấy lời tôi/Ðả đảo đế quốc Mỹ/Ðả đảo Nguyễn Khánh/Hồ Chí Minh muôn năm/Hồ Chí Minh muôn năm/Hồ Chí Minh muôn năm! Phút cuối nơi pháp trường đã trở thành thời khắc lịch sử mang tên anh. Nguyễn Văn Trỗi ngã xuống và trở thành người Anh hùng của dân tộc.

Nhà điêu khắc Lê Minh Huy (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ), người đã tạc nhiều bức tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt ở Bến Dược (Củ Chi), Nhà thờ ở Ðiện Thắng (Ðiện Bàn), Khu tưởng niệm tại cầu Công Lý, Trung ương Cục Miền Nam (Tây Ninh) cho biết: Khi thực hiện những tác phẩm về anh Trỗi, đường nét xuyên suốt nhất vẫn là cốt cách, chí khí của anh".

Tiếp bước, noi gương anh

Nối tiếp tinh thần và khí phách của người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, nhiều lớp thanh niên công nhân ở TP Hồ Chí Minh đã nguyện "Sống như anh" không ngừng học tập, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Nhiều công trình, sáng kiến, hiến kế cho đời sống được trao giải thưởng truyền thống thường niên mang tên Nguyễn Văn Trỗi, là nguồn khích lệ, động viên to lớn. Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay đã có 27 đoàn viên, thanh niên, công nhân vinh dự được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh vinh danh.

Quê Thanh Hóa, học xong Ðại học Kỹ thuật Công nghiệp, Nguyễn Văn Dũng xin vào làm việc tại Công ty CP Công nghiệp cao-su Miền Nam. Với quyết tâm học hỏi, sáng tạo, cống hiến những giải pháp nhằm giảm sức lao động cho công nhân, tăng năng suất sản phẩm, Dũng đã có sáng kiến "Cải tiến quy trình công nghệ khâu rửa ống cao-su dân dụng và thu hồi tận dụng nguồn nước nóng từ các máy lưu hóa lốp ô-tô để rửa ống cao-su dân dụng" và "Cải tiến và tự động công đoạn quấn vải cho bàn dán máy cắt vải". Cả hai công trình đã được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho công ty gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Dũng chia sẻ: "Là cán bộ Ban Chấp hành Chi đoàn công ty, em luôn phấn đấu, sôi nổi trong các hoạt động, nhất là hoạt động hướng về truyền thống dân tộc. Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi nhiều năm nay luôn là mục đích phấn đấu của anh em trong xí nghiệp".

Với công trình: "Nghiên cứu chế tạo bê-tông khô và bê-tông dẻo sử dụng cốt liệu lớn có thành phần hạt liên tục tối ưu để sản xuất cống hộp, cống tròn và cấu kiện khác", mỗi tháng tiết kiệm gần 500 triệu đồng trong sản xuất, Trần Ngọc Thương, công nhân Công ty xây dựng Hùng Vương vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay. Gặp Thương trước ngày nhận giải, chàng công nhân quê ở Ðiện Bàn (Quảng Nam) chia sẻ: "Những nỗ lực, phấn đấu của mình đã được ghi nhận. Phần thưởng không chỉ động viên bản thân mà còn cổ vũ, khích lệ nhiều công nhân khác trong công ty. Mình rất tự hào khi có được giải thưởng mang tên người con xứ Quảng".

Cũng không ngừng phấn đấu trong lao động, Ðỗ Tiến Trung, công nhân Công ty Ðiện lực Hóc Môn đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành điện lực. Nếu như sáng kiến "cố định cần thao tác dao cách ly để giữ nguyên trạng thái vận hành so với thiết kế" góp phần giảm mất điện, giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy lưới điện, giúp cho việc cung cấp điện ổn định hơn; thì sáng kiến "Thiết kế bộ chằng tạm trong công tác trồng mới trụ, thay trụ và trùng tu trụ nghiêng" lại hạn chế được các điểm mất an toàn trên lưới điện có thể gây sự cố, bảo đảm an toàn công tác. Những sáng tao đó đã mang đến cho Trung vinh dự lần thứ hai nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.

Nửa thế kỷ sau ngày Anh Trỗi hy sinh, lớp lớp bao bạn trẻ công nhân trên thành phố mang tên Bác đã và đang không ngừng cố gắng, vượt qua những khó khăn, thử thánh để thực hiện ước mơ, hoài bão "sống như Anh".