Sóc Trăng triển khai 7 giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

NDO -

Ngày 29/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân của tỉnh Sóc Trăng thực hiện xuất sắc Nghị quyết 13 NQ/TW (Khóa IX).
Khen thưởng các tập thể, cá nhân của tỉnh Sóc Trăng thực hiện xuất sắc Nghị quyết 13 NQ/TW (Khóa IX).

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Sóc Trăng, trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 1.336 tổ hợp tác và 231 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức sản xuất theo quy mô lớn tạo ra những sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường. Kinh tế tập thể ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Quản lý, điều hành hợp tác xã từng lúc vẫn còn hạn chế; nhiều cơ chế, chính sách tuy được ban hành nhưng việc tiếp cận của hợp tác xã vẫn còn rất khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng. Các hợp tác xã vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất, nhất là về năng lực, trình độ quản lý, chưa liên kết chặt chẽ, bền vững với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị kinh tế khu vực kinh tế tập thể trong tổng GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ còn quá khiêm tốn, chỉ khoảng 0,13%.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 13 NQ/TW thảo luận và trình bày tham luận đánh giá sâu và đề xuất các giải pháp để hoạt động kinh tế tập thể không ngừng phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai thực hiện bảy nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; tổ chức có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực quản trị, đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh đi đôi kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo kinh tế tập thể các cấp. Nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa; lựa chọn một số hợp tác xã có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Tiếp tục phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tập thể. Cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong phát triển hợp tác xã kiểu mới.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen 23 tập thể và 21 cá nhân tiên tiến, tiêu biểu về kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh Sóc Trăng.