Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Quan tâm giải quyết các chính sách an sinh xã hội

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, sáng 12/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Cùng dự hội nghị tiếp xúc cử tri có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ý kiến của các cử tri phản ánh xoay quanh các vấn đề về đầu tư nguồn nhân lực của ngành y tế, trong đó cần ưu tiên đào tạo bác sĩ phục vụ y tế cộng đồng, vấn đề in sách giáo khoa hằng năm gây quá nhiều lãng phí; tăng biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; có chính sách chăm lo khám sức khỏe hậu Covid-19 cho nhân dân.

Cử tri cũng ghi nhận sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, phủ nhanh tiến độ tiêm vaccine, thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để người dân ổn định cuộc sống trong và sau dịch bệnh.

Một cử tri đại diện cho Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo, phường 2, quận 8 cho biết, dân số cử tri dân tộc Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7.500 người, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường mầm non bán trú trông giữ cho con em người Chăm nên đa phần phụ nữ dân tộc Chăm không thể đi làm mà ở nhà nội trợ. Đó là lý do người Chăm gặp khó khăn về kinh tế trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, cử tri này kiến nghị Thành phố nên bố trí trường mầm non bán trú, tiếp nhận và đào tạo nghề cho phụ nữ người Chăm để họ yên tâm đi làm, kiếm thêm thu nhập.

Quan tâm giải quyết các chính sách an sinh xã hội -0
Cử tri quận 5 phản ánh tình trạng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nợ bảo hiểm xã hội.

Theo ông Huỳnh Văn Sáu, phường 7, quận 5, hiện nay Nhà nước bỏ tiền in sách giáo khoa hằng năm gây lãng phí quá lớn, vì vậy nên nghiên cứu 5 năm in một lần, nên phân loại trình độ của học sinh để có chương trình giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa cho phù hợp. Cử tri cũng nêu một thực trạng nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận vừa qua là “bằng thật học giả”, có trường hợp luận án tiến sĩ được công nhận còn dễ dãi, không thực chất. Do đó, Nhà nước nên quan tâm đến cơ chế tự chủ đại học, việc cấp bằng cử nhân, thạc sĩ; phong học hàm, học vị Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư nên gắn chặt với các cơ sở đào tạo và phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và đào tạo…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri, các cử tri tham dự buổi tiếp xúc đa dạng về thành phần, tôn giáo, dân tộc và mọi người đều có tinh thần góp ý thẳng thắn để xây dựng đất nước. Đặc biệt bà con luôn tin tưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước, ủng hộ công tác chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua nên đã tin tưởng, chung sức chung lòng cùng cả nước và Thành phố vượt qua đại dịch. 

Theo Chủ tịch nước, những vấn đề cử tri phản ánh đều là những vấn đề thời sự, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân như giáo dục, y tế, hạ tầng, cải cách hành chính, vấn đề bạo hành gia đình và bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe sau dịch Covid-19, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chính sách liên quan đến gia đình người có công… Đây chính là cơ sở để các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp, qua đó giải quyết tốt hơn các vấn đề về chính sách, kịp thời có những chính sách và quyết sách phù hợp trong kỳ họp Quốc hội lần này nhằm chăm lo tốt hơn cho người dân, xây dựng luật pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu xã hội đặt ra.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh từ sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 cho đến nay. Có những kết quả này cần phải ghi nhận sư nỗ lực của tập thể lãnh đạo thành phố, của hệ thống chính trị từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn.

“Các cấp các ngành Thành phố không những chủ động trong đại dịch mà sau đại dịch còn năng động sáng tạo, khôi phục phát triển kinh tế, tháo gỡ những điểm nghẽn, khôi phục dòng chảy thương mại, giải quyết việc làm, tiếp tục trợ giúp những người khó khăn, yếu thế ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, tiến độ phục hồi chung trên mọi mặt của Thành phố đạt hơn 90%, đăc biệt thu ngân sách 5 tháng đạt hơn 43%, chủ yếu đạt được từ các nguồn thu về đất đai, dịch vụ, du lịch…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo đến cử tri các quận 5, 8, 11 khái quát về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước. Trong đó, tình hình kinh tế-xã hội đất nước sau đại dịch đã phục hồi và phát triển tốt hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát dưới 4%. Nhiều chương trình an sinh xã hội được quan tâm, không để người dân nào đói, ốm đau, bệnh tật.

Theo Chủ tịch nước, một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua là Trung ương đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, có những giải pháp để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của pháp triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.