Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, vaccine là vũ khí quyết định

NDO -

Sáng 5/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, những diễn biến mới, khác, những điểm phức tạp, những kết quả đạt được, những mặt chưa được, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp để tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19 thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó dịch Covid-19 -0 Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Vừa qua, đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng.

Ở trong nước, vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó dịch Covid-19 -0 (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thủ tướng nhắc lại “kinh nghiệm xương máu” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội. “Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó dịch Covid-19 -0 (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân khiến có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tốc độ tiêm vaccine chưa đạt mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống, điều trị các loại dịch bệnh khác…

* Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 3/7/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia châu Âu như Italia, Đức, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ba Lan...

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay), do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Để tiếp tục phát huy, tăng cường năng lực phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Các bộ, ngành cần:

Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh.

Về y tế: tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của Covid-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, bảo đảm đời sống an sinh xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ về chi trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch.

Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh hơn nữa thông tin, truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19; Chuyển tải thông điệp mới (V2K) rõ ràng, dễ hiểu để người dân yên tâm và không chủ quan, lơ là…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đã kiểm soát được cơ bản dịch bệnh Covid-19; các hoạt động đang trên đà trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.... Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp. Chủng BA.5 mới xuất hiện ở châu Âu, các nước ASEAN, đã vào Việt Nam, do đó phải khẳng định tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác về đại dịch Covid-19 này ở thời điểm này và tới đây. Không có người dân nào an toàn khi còn người dân khác còn mắc Covid-19. Không có quốc gia nào an toàn khi còn quốc gia khác đang phải chống dịch, không có tỉnh nào an toàn khi còn tỉnh khác đang phải chống dịch, không có huyện, xã nào an toàn khi còn huyện, xã khác đang phải chống dịch.

Kinh nghiệm cho thấy khi chưa có vaccine, thuốc chữa bệnh thì phải dùng các biện pháp hành chính thì khổ sở, hy sinh, mất mát đến mức nào. Kinh tế quý III/2021 bị tăng trưởng âm. Do đó, nếu không có biện pháp phù hợp, tích cực thì bị thiệt hại nặng. Rõ ràng vẫn đang có người nhiễm, không có chỗ nào an toàn. Mức độ hiện nay là nhờ được bao phủ vaccine, có thuốc chữa, nên mức độ chuyển nặng, tử vong giảm. Về tiêm vaccine, chúng ta đã có kinh nghiệm bởi đây là vũ khí quan trọng nhất để chống lại dịch bệnh, kiềm chế dịch lây lan, ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong. Việc tiêm vaccine vẫn chưa đạt yêu cầu theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và chỉ tiêu do Chính phủ đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, thì mới có thể phục hồi và phát triển kinh tế, đủ điều kiện bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước hùng cường.

Coi sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Chống dịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự tham gia của nhân dân. Tiêm vaccine là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của nhân dân đối với chính mình, gia đình và xã hội. Phòng dịch phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở, người dân được tiếp cận sớm dịch vụ y tế.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu vẫn giữ 3 trụ cột phòng, chống dịch, biện pháp có thể thay đổi, vẫn phải thực hiện xét nghiệm, thực hiện cách ly khi có ca nhiễm. Thay đổi Thông điệp 5K thành 2K, cụ thể, Thủ tướng đề nghị giữ 2K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Phải coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 38 của Chính phủ, đẩy mạnh tiêm vaccine, nhất là đối tượng quản lý rủi ro, các đối tượng tuyến đầu. Các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền vận động nhân dân. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh: Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết. Bộ Y tế chú trọng việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong lĩnh vực y tế.

Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo:

Bộ Y tế thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp 23/6/2022 (Thông báo số 192) và Công văn số 4035/VPCP-KTTH ngày 29/6/2022. Ngay trong ngày 5/7 phải hoàn thành hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Các bộ liên quan đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Thủ tướng yêu cầu tăng cường chỉ đạo việc đấu thầu thuốc tập trung. Bộ Y tế rút kinh nghiệm, thông thoáng trong việc cấp phép; chẳng hạn việc cấp phép cho vaccine thì ở nước ngoài đã có chứng nhận. Mọi việc đều phải công khai, minh bạch, khách quan, chống mọi biểu hiện tiêu cực. Phải công khai giá thuốc, sinh phẩm trên thế giới. Phải nghiên cứu, cải tiến việc cấp giấy phép bảo đảm khoa học, giảm bớt thủ tục hành chính.

Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở trong đó quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học. Ngành y tế tại địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội; các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bộ Y tế có giải pháp đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc, trên cơ sở đó chúng ta mới có giải pháp phù hợp. Cùng với phòng, chống dịch, coi trọng phòng, chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư… Đánh giá tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, cần có thống kê, đánh giá trung thực để có giải pháp hiệu quả. Tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu vaccine sản xuất trong nước cần phải tiếp tục vì đây là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, không phải là “vấn đề thời vụ”. Việt Nam phải làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan truyền đi thông điệp không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh; có cách làm sáng tạo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nâng cao ý thức của người dân, vận động người dân tiêm vaccine.