Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại Thừa Thiên Huế

NDO -

Ngày 20-3, Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cùng dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Trường Lưu: Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo.

Tại buổi làm việc, Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo đoàn công tác về kết quả triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, tại Thừa Thiên Huế có ba đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với tổng số đại biểu được bầu là bảy người (trong đó, có hai đơn vị sẽ bầu hai đại biểu và một đơn vị bầu ba đại biểu Quốc hội). Về bầu cử đại biểu HĐND, cấp tỉnh có 14 đơn vị bầu cử và sẽ bầu 51 đại biểu; cấp huyện 76 đơn vị bầu cử, sẽ bầu 288 đại biểu và cấp xã có 904 đơn vị bầu cử, sẽ bầu 3.295 đại biểu.

Đến nay, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiến độ thời gian và kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia. Ủy ban bầu cử các cấp đã tiếp nhận 13 bộ hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương; 96 bộ hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 545 bộ hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 6.281 bộ hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, trong đó có bảy người tự ứng cử. Ủy ban bầu cử tỉnh chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đối với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Mặt trận tỉnh đã thống nhất danh sách sơ bộ gồm 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 96 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử. MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử, tiến hành từ ngày 21-3 đến 13-4.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trước, trong và sau thời gian diễn ra cuộc bầu cử nhằm làm cho ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời đúng tiến độ quy định. Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cần tập trung chỉ đạo cao độ, lãnh đạo thật tốt công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp bảo đảm đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban bầu cử Quốc gia; xây dựng kế hoạch nhiệm vụ cụ thể hơn theo mốc thời gian, đúng trình tự, đúng quy định.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Thừa Thiên Huế cần tiếp tục tiến hành các bước theo đúng trình tự, tiến độ và quy định của pháp luật; tổ chức tốt công tác lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử và tiếp xúc cử tri để tiến hành vận động bầu cử; triển khai tập huấn cho các tổ bầu cử; xây dựng các kịch bản, phương án nhằm chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, cần có phương án tốt, nắm chắc tình hình an ninh trật tự tại các địa phương, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm để bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc bầu cử, lưu ý vấn đề khiếu kiện, lợi dụng khiếu kiện để chống phá bầu cử; bảo đảm công tác hậu cần; lường trước những vấn đề khó khăn liên quan đến dịch Covid-19, thiên tai, không để bị động, bất ngờ; tập trung giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật, đặc biệt là cấp cơ sở; đồng thời tập trung tuyên truyền công tác bầu cử bằng nhiều hình thức và các kênh thông tin.