Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng

NDO -

Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW” đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Dự họp có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong sáu vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội; là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước; có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước, thuận lợi trong gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đồng bằng sông Hồng là vùng đất lịch sử lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có lịch sử hàng nghìn năm gắn liền với những chiến công hào hùng, oanh liệt trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp; hàng nghìn di tích lịch sử-văn hóa.

Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt khá cao, quy mô kinh tế đứng thứ hai trong 6 vùng và ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên trở thành những điểm sáng của cả nước.

Nhiều tiềm năng, lợi thế vùng được phát huy hiệu quả; nhiều hạn chế được khắc phục, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh…

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo trao đổi, thảo luận Kế hoạch xây dựng Đề án; phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, dự thảo Đề cương Báo cáo Tổng kết và Đề cương Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó là góp ý vào những nội dung quan trọng gắn với vùng đồng bằng sông Hồng như quốc phòng, an ninh, công thương, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị, liên kết vùng, tình hình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ở các địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với những nội dung và kế hoạch xây dựng Đề án.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả tổng kết Nghị quyết là cơ sở để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng, nhằm cụ thể hóa các quan điểm và định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) của cả nước, Nghị quyết Đại hội đảng các địa phương nhiệm kỳ 2020-2025; đưa ra các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và thực tiễn phát triển vùng.

Đồng chí đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu về phạm vi, chủ đề, phương pháp tổ chức, gợi ý quá trình đánh giá tổng kết, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, góp ý trong suốt quá trình xây dựng đề án để việc tổng kết Nghị quyết bảo đảm tiến độ và chất lượng.