Phát triển đảng ở khu vực đặc thù, khó khăn

Đối với những khu vực đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, đảng viên luôn là người có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt, hướng dẫn nhân dân thực hiện, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng. Nhiều cấp ủy đảng ở các tỉnh miền trung xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm và đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời bổ sung nguồn lực cho Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Thị Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chỉ đạo công tác làm đường giao thông nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Thị Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chỉ đạo công tác làm đường giao thông nông thôn.

Bài 1: Hướng về cơ sở, tháo gỡ khó khăn

Ngoài đặc thù khó khăn về kinh tế - xã hội, hầu hết các tỉnh miền trung đều gặp nhiều trở ngại về địa hình, ngôn ngữ, tập tục, tôn giáo khác nhau… Những rào cản này khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.

Vượt lên khó khăn, các cấp ủy đảng đã có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt và bằng nhiều giải pháp đột phá, cho nên công tác phát triển đảng tại nhiều nơi có chuyển biến tích cực. Hầu hết đội ngũ đảng viên mới đã phát huy năng lực, trở thành hạt nhân chính trị tại địa bàn xung yếu, nhạy cảm.

Kiên trì bám địa bàn, phát hiện, bồi dưỡng các điển hình

Năm 2010, sĩ quan Lê Văn Tuyển, Đồn Biên phòng Pù Nhi (Thanh Hóa) được phân công tăng cường bám bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Đây là bản người H’Mông chưa thành lập được chi bộ cho nên nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm triển khai. Là đảng viên nên anh luôn trăn trở tìm cách phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng. Anh Tuyển tâm sự, những buổi ban đầu rất khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, lạ lẫm về tập tục, lối sống… Để khắc phục, anh tham gia lớp học tiếng H’Mông, thực hiện bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trao đổi bằng tiếng H’Mông) với dân bản, qua đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là các bạn trẻ. Qua những câu chuyện, việc làm, anh giới thiệu về Đảng và Bác, tạo niềm tự hào và xây dựng lý tưởng trong giới trẻ. Lần lượt các anh Tráng A Tụa, Tráng A Sự rồi Lý A Sính, Hờ A Ly nghe theo anh quyết tâm rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi đủ số lượng đảng viên, Chi bộ Suối Phái được thành lập đã phát huy vai trò lãnh đạo, động viên dân bản trồng rừng, cải tạo khai hoang trồng lúa nước; thay đổi tập tục lạc hậu... Sau hơn 10 năm, đội ngũ đảng viên của Chi bộ Suối Phái gồm 16 người, vững vàng về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức. Chi bộ hướng dẫn người dân trồng được gần 10 ha lúa nước, nuôi nhốt gia súc xa nơi ở, nhân đàn lên 200 con trâu, bò; vận động nhân dân chung sức tham gia thi công 1,6 km đường giao thông nội thôn, làm sân thể thao phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết: Trước năm 2016, tỉnh có 310 khối, thôn, bản chưa có đảng viên và có nguy cơ "trắng đảng viên". Tỉnh ủy đã triển khai Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những giải pháp quan trọng là phân công cán bộ, đảng viên xuống thôn, bản tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều quần chúng ưu tú cho Đảng. Điển hình là Đảng bộ huyện Tương Dương có ba chi bộ bản Xoóng Con (xã Tam Thái), bản Thằm Thẩm và Huồi Măn (xã Nhôn Mai) thuộc diện nguy cơ cao (dưới năm đảng viên tại chỗ). Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mạc Văn Nguyên, Huyện ủy điều động, phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín, cán bộ chủ chốt ở xã về "cầm tay chỉ việc" ở những địa bàn này. Sau 5 năm, ba chi bộ kết nạp thêm 11 đảng viên, đưa huyện Tương Dương ra khỏi danh sách thuộc Đề án số 01. Cùng cách làm này, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kết nạp được 942 đảng viên mới, trong đó có 725 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục được toàn bộ 25 bản không có đảng viên, bản "trắng" chi bộ...

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đạt nhiều kết quả trong công tác phát triển đảng viên khu vực khó khăn, đặc thù. Trước kia, nói đến người Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, không ít người hình dung sự nghèo đói cùng nhiều tập quán lạc hậu. Tỉnh ủy và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường cán bộ xuống "bốn cùng" với người dân, vừa giúp dân tăng gia sản xuất vừa gây dựng cơ sở hệ thống chính trị. Trung tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng chia sẻ: Thông qua các hoạt động như dạy cho người dân học chữ, hướng dẫn trồng lúa, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương phát hiện những cá nhân có tinh thần học hỏi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín với dân bản để bồi dưỡng thành các hạt nhân có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ vậy, sau hơn 10 năm, bản Rào Tre đã có chi bộ với tám đảng viên là người dân tộc Chứt, trong đó có nhiều đảng viên tuổi mười tám, đôi mươi.

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động

Những khu vực đặc thù, nơi đồng bào có đạo sinh sống, ngoài khó khăn chung, quần chúng ưu tú còn phải đối diện với những định kiến tôn giáo, các luận điệu phá hoại, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng. Do vậy, để bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng vào Đảng, các cấp ủy nơi đây luôn coi trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động bằng hành động, việc làm thiết thực cùng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Những năm trước đây, tại các tuyến đường ở xóm giáo toàn tòng Long Tiến, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), người dân đi lại khá vất vả. Bí thư Chi bộ xóm Trần Khắc Mai cùng các đảng viên đã đi từng nhà vận động góp tiền và công lao động để làm đường giao thông. Đông đảo người dân tham gia cùng với nguồn hỗ trợ xi-măng của cấp trên đã giúp cho các tuyến đường trong xóm dần được bê-tông hóa toàn bộ. Trước đó, với sự lãnh đạo của chi bộ, hơn 130 hộ dân trong xóm thống nhất chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Đến nay, mỗi gia đình chỉ còn từ một đến hai thửa ruộng thay vì cả chục miếng như trước, thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất và thu lợi nhuận cao hơn. Đảng viên gương mẫu đi đầu, người dân ủng hộ tích cực nên chẳng mấy chốc xóm Long Tiến dẫn đầu toàn xã về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế; các đoàn thể quần chúng đều có phong trào tốt. Bí thư Chi bộ xóm Trần Khắc Mai cho biết: Đảng viên trong chi bộ có bản lĩnh và kiên định, đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào; sinh hoạt đảng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo cho nên người dân rất tin tưởng, hưởng ứng mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua đó, chi bộ phát hiện, bồi dưỡng được nhiều đoàn viên, hội viên ưu tú vào Đảng. Từ năm 2017 đến nay, Long Tiến kết nạp được năm đảng viên mới là người có đạo, tổng số đảng viên trong chi bộ là 25 người. Đây là điểm sáng về phát triển đảng viên vùng giáo ở huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Nhờ triển khai quyết liệt Đề án số 01, từ cuối năm 2016 đến năm 2020, Nghệ An đã phát triển được 251 đảng viên liên quan đến các chi bộ thuộc đề án này, trong đó có 68 đảng viên là người có đạo; các huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Diễn Châu, Hưng Nguyên là những đơn vị làm tốt công tác phát triển đảng.

Từ một thôn nghèo ở vùng sâu với 109 hộ dân, 345 nhân khẩu, thôn Phú Hưng trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Trong thành quả chung, có công sức của nữ Bí thư Chi bộ người Công giáo Nguyễn Thị Hợi. Sinh ra trong gia đình Công giáo, cuối năm 2009, chị kết hôn và về nhà chồng ở thôn Phú Hưng, tham gia sinh hoạt trong Chi hội Phụ nữ thôn. Hơn 12 năm gắn bó với phong trào, từ hội viên Chi hội rồi Chi hội trưởng đến Bí thư Chi bộ thôn, chị luôn năng nổ, nhiệt tình, để lại nhiều dấu ấn như: vận động chị em phát triển 30 mô hình chăn nuôi và hàng chục mô hình làm vườn cho thu nhập khá; đề xuất ý tưởng thành lập tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn. Đầu năm 2019, Tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn ở Phú Hưng ra đời, giải quyết việc làm cho 60 lao động nữ trong thôn, thu nhập sáu triệu đồng/người/tháng. Tác phong, nhiệt huyết của nữ Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng đã thuyết phục nhiều quần chúng ưu tú là người có đạo đến với Đảng. Từ năm 2011 - 2020, các cấp ủy đảng trong tỉnh Hà Tĩnh bồi dưỡng, kết nạp được 133 quần chúng đồng bào có đạo. Tám tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh kết nạp được bảy đảng viên là người có đạo (năm đảng viên ở huyện Hương Khê và hai đảng viên ở TP Hà Tĩnh).

(Còn nữa)