Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân

NDO -

Chiều 11/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Kiến nghị cử tri đã được trả lời kịp thời

Về công tác dân nguyện tháng 4/2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vừa bế mạc và các nội dung dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba tới.

Theo số liệu báo cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 100% kiến nghị cử tri đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan, trong tháng 4, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so tháng trước. Các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp và hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật đối với 84 lượt công dân về 84 vụ việc, phối hợp tiếp 10 đoàn đông người.

Trong tháng 4, các cơ quan của Quốc hội đã nhận được 1.298 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 7,81%) so tháng trước. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện thường xuyên, ngày càng đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Dân nguyện, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; việc theo dõi, đôn đốc đối với đơn thư đã chuyển chưa quyết liệt.

Chú trọng chất lượng, hiệu quả

Ban Dân nguyện kiến nghị, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại địa phương để định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.

Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Tham gia ý kiến thảo luận về báo cáo nói trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần bổ sung vào các báo cáo việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ hằng tháng xem xét công tác dân nguyện, thể hiện trách nhiệm đối với cử tri và nhân dân, đồng thời cũng là sự đổi mới hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị phải làm rõ, tại sao kết quả 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời nhưng vẫn còn tình trạng người dân kéo đến các trụ sở cơ quan?

Nêu ý kiến về những vấn đề được các đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội chưa tập hợp hết nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu cụ thể những nội dung dư luận cử tri quan tâm hiện nay, đó là tình hình dịch bệnh đã rất khác, nhưng hướng dẫn của các cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch như thế nào? Tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi ra sao? Đưa học sinh trở lại trường học như thế nào? Vấn đề quá tải, chương trình sách giáo khoa; rồi tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, vấn đề giá cả tăng... nhất là với công nhân, người lao động.

Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân -0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu, chắt lọc để phản ánh sâu đậm hơn ý nguyện của cử tri và nhân dân trong các báo cáo liên quan, nhất là báo cáo dân nguyện và các báo cáo sẽ trình bày trước Quốc hội.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc

Đến nay, 100% kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời. Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 110/110 kiến nghị; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 3.217/3.217 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 41/41 kiến nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng; một số khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn; khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết do bộ, ngành chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc…

Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp gửi lên cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Các kiến nghị liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm, như: y tế; lao động, thương binh và xã hội; nông nghiệp, nông thôn; nội vụ; giao thông, vận tải; tài nguyên và môi trường…

Qua giám sát cho thấy, Quyết định số 1860 được triển khai thí điểm ở 10 tỉnh thuộc 4 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền trung, cấp radio cho già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, Bí thư chi bộ… ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III, xã biên giới. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2021.

Mặc dù đã được cấp kinh phí thực hiện nhưng Ủy ban Dân tộc chưa triển khai được Đề án, nên kinh phí không sử dụng đã bị hủy dự toán. Như vậy, các đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được cấp radio trong khi đã hết thời gian thực hiện Quyết định số 1860. Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc phối hợp các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1860, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa triển khai thực hiện Quyết định trên.

(Theo báo cáo của Ban Dân nguyện)

Cuối buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày, cho biết cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và những kết quả to lớn, toàn diện mà đất nước ta đã đạt được trên các lĩnh vực; bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng tình chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao…

Dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân còn trăn trở và lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch Covid-19 gây ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, cần tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống dịch Covid-19; rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Báo cáo đã tổng hợp, đánh giá khá đầy đủ các lĩnh vực, vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã quyết định ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần thông tin kịp thời đến cử tri và nhân dân các quyết sách quan trọng của Trung ương về vấn đề này. 

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp, thể hiện Báo cáo thật sự là tiếng nói của cử tri và nhân dân; cần bổ sung và làm sâu sắc thêm 5 nhóm vấn đề và 5 kiến nghị đã được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo.