Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (Kỳ 31): Tướng tình báo Ba Quốc dưới mắt tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn


Khi bị lộ lên chiến khu ông Ba Quốc mang cấp bậc là trung đoàn bậc phó, giải phóng xong ông mang quân hàm trung tá. Năm 1977, ông được phong danh hiệu Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam vì những công lao đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  

Ông không nhớ hết những huân chương ông được tặng thưởng, nhưng chúng tôi biết ông được tặng Huân chương Độc lập và nhiều Huân chương Chiến công, trong đó có ít nhất là ba Huân chương Chiến công hạng nhất. Những năm sau giải phóng, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, được thăng quân hàm thiếu tướng năm 1990 và giữ chức cục trưởng trong ngành tình báo quốc phòng. Những hoạt động của ông trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chúng tôi sẽ đề cập sau...

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về con người ông Ba Quốc, không thể không nói đến những quan hệ giữa ông với đồng đội. Nhưng do ông hoạt động đơn tuyến, suốt hai mươi năm ông chỉ biết mặt có bốn "Việt Cộng". Người thứ nhất là ông Văn Tùng, người chỉ huy đầu tiên của ông khi ông vào Sài Gòn. Ông Văn Tùng liên lạc với ông được một thời gian ngắn thì bị địch bắn chết ở ngã ba Chuồng Bò. Người thứ hai, cũng là chỉ huy của ông, là ông Ba Hội, nhưng được một thời gian thì ông Ba Hội bị bắt. Người thứ ba là ông Bảy Anh. Ông Bảy Anh là người chỉ huy trực tiếp sau cùng của ông, người đã đến ở trong nhà ông vào Tết Mậu Thân năm 1968, nhưng sau đó ông bảo là ông Bảy Anh đã "mất tích". Một thời gian dài còn lại ông chỉ gặp người giao liên, đó là vợ ông Bảy Anh, người làm giao liên nội đô cho ông mà chúng tôi đã kể.  

"Sau ông Bảy Anh ông có biết những người chỉ huy của ông là ai không ?", chúng tôi tò mò. Ông Ba Quốc: "Không. Tôi không biết ai hết. Tôi chỉ gửi tài liệu, báo cáo về cấp trên và nhận chỉ thị từ cấp trên thôi. Còn cấp trên là ai thì tôi không biết. Khi bị lộ, được rút lên căn cứ tôi mới biết". "Ở Sài Gòn hồi đó ông có biết ông Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) không?". "Tôi có quen biết với anh Hai Trung, nhưng chỉ biết anh ấy là một nhà báo của Mỹ rất có thế lực và có quan hệ rất rộng mà thôi". "Là người làm ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, bằng con mắt nghề nghiệp của mình, ông có nghi ngờ ông Hai Trung dính dáng đến Việt Cộng không?". "Không, làm sao tôi có thể nghi ngờ được. Vì biết anh ấy là người có thế lực nên tôi muốn quan hệ để khai thác tin tức. Tôi báo cáo lên cấp trên về việc đó, nhưng ở trên cấm không cho tôi làm việc này. Mấy ông ấy còn lưu ý: Phải cẩn thận với thằng đó, nó là CIA đấy!".  

Chúng tôi đã gặp tướng Phạm Xuân Ẩn để hỏi chuyện ông Ba Quốc: "Hồi đó ông có biết ông Ba Quốc không ?". Ông Ẩn: "Có chứ. Tôi biết ổng là Nguyễn Văn Tá, sĩ quan của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Ổng tên Tá nên không hiểu sao tôi cứ nghĩ ổng là thiếu tá. Cái Phủ Đặc ủy đó tôi cũng được mời tham gia sáng lập. Nhà ông Tá nghèo nhưng sống rất liêm khiết. Ổng làm việc rất cẩn thận. Mỗi khi gặp ai, ổng chỉ nói những điều cần nói và nghe những chuyện cần nghe, chứ không nói năng lung tung vô tội vạ như tôi. Nhiều người bảo tôi: Ông coi ông Tá đó, ổng nói năng nghiêm túc, đâu có ăn nói văng mạng như ông. Tôi cười: Thì ổng là sĩ quan tình báo ổng mới như vậy, còn tôi là nhà báo thì phải khác chứ, tôi có phải làm tình báo đâu mà phải nghiêm túc như ổng".  

"Dưới con mắt nghề nghiệp, ông có đoán được ông Tá làm cho Việt Cộng không?". Ông Ẩn: "Không thể biết được". "Ông biết ổng là Việt Cộng từ lúc nào?". "Khi ổng bị lộ. Nhưng ông này khi bị lộ rồi vẫn còn xớ rớ ở Phủ Đặc ủy mà vẫn còn tham công tiếc việc chưa chịu đi. Đến mức mấy người bên Phủ Đặc ủy, trong đó có ông Chánh văn phòng phải đến nhờ tôi: Thằng Tá là Việt Cộng bị lộ rồi, ông quen nó ông làm ơn bảo nó đi nhanh lên, chần chừ sẽ bị bắt đó". "Ông trả lời như thế nào?". "Tôi bảo với họ: Nó là Việt Cộng thì liên quan gì đến tôi. Các ông cứ bảo nó đi...".  

Chúng tôi thắc mắc: "Vì sao những người đó không muốn ông Tá bị bắt?". Ông Ẩn: "Ông Tá bị bắt sẽ liên lụy đến họ". "Họ có quan hệ với Việt Cộng đâu mà sợ bị liên lụy?". "Tất nhiên là họ không có quan hệ gì với Việt Cộng, nhưng họ có quan hệ với ông Tá. Nếu ông Tá bị bắt, biết đâu trong những tài liệu mà ông Tá lấy có những tài liệu mà họ đã vô tình cung cấp cho ông. Bởi vậy họ mới sợ bị rầy rà...".  

Ông Ẩn vừa vào bệnh viện thăm ông Ba Quốc. Bệnh ông Ba Quốc hiện rất trầm trọng, chắc ông không còn sống thêm được bao nhiêu ngày. Ông Ẩn rơm rớm nước mắt khi nói về bạn mình: "Tội nghiệp cho ông Ba Quốc. Cả một đời ổng sống gian khổ vì đất nước, thanh bạch, liêm khiết cho đến những ngày cuối cùng. Gia đình ngoài Bắc và gia đình trong Nam đều phải chịu nhiều hy sinh. Cả gia đình ai cũng tốt, ai cũng nghe lời ổng. Những năm trước đây, một người con dâu bị kẻ xấu tạt a-xít hỏng cả khuôn mặt, cũng là do nghe lời ổng chống tham nhũng mà ra như vậy đó...".  

(Còn tiếp) 

HOÀNG HẢI VÂN - TẤN TÚ
(Báo Thanh niên)

* Kỳ 20: "Tóm gọn" 35 ổ gián điệp

* Kỳ 19: Kỹ thuật truyền tin

* Kỳ 13: Giữa những cơn bão của bảy cuộc đảo chính

* Kỳ 12: Những viên kim cương, "cậu" phù thủy và anh bán giày