Nữ dũng sĩ được Bác Hồ đặt tên

Bà Buổi bên bức ảnh kỷ niệm.
Bà Buổi bên bức ảnh kỷ niệm.

Cái tên trùng với loài hoa trắng, thơm dịu dàng mà Bác tặng cho đã đi theo bà suốt những năm chiến tranh và trong công tác những năm sau này.

Kỷ niệm ngày Bác đi xa, chúng tôi đã có cuộc gặp bà Trần Thị Buổi để nghe bà kể những kỷ niệm không quên về Bác Hồ kính yêu.

Cứ vào những dịp 19-5 hay 2-9 bà Trần Thị Buổi lại đứng hàng giờ bên tấm ảnh chụp Bác Hồ tặng hoa cho ba nữ dân quân Quảng Trị, Quảng Bình. Bà Buổi, lúc đó là cô gái còn rất trẻ là người đứng đầu trong tấm ảnh, tiếp đến là các chị Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Xuân, những dũng sĩ vùng đất thép được vinh dự ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Bà Trần Thị Buổi nói: 40 năm đã qua nhưng lúc nào tôi cũng thấy như vừa được gặp Bác hôm qua, bởi tình yêu thương của Bác dành cho chị em chúng tôi chẳng bao giờ phai mờ được.

Bà kể: Vùng quê Vĩnh Tú của bà nghèo lắm. Cha mất sớm, mẹ nuôi hai anh em nên càng khổ cực. Rồi bom đạn quân thù... Cô bé Buổi còn nhớ như in đêm nào cũng bám lưng  mẹ xuống hầm tránh bom đạn. Và để con vơi đi nỗi sợ hãi, bà mẹ thường kể cho con nghe chuyện Bác Hồ - Người đã đem cơm no áo ấm cho người Việt Nam và đang ngày đêm không ngủ lo giải phóng đất nước. Bác Hồ được mẹ ví như tiên ông trên trời... Với niềm kính yêu và tin tưởng vào Bác Hồ, vào sự nghiệp giải phóng đất nước, cô bé Trần Thị Buổi mới 16 tuổi đã xung phong vào đội du kích xã. Bằng sự thông minh, quyết tâm cô gái trẻ đã luôn giành điểm 10 trong các buổi tập bắn. Rồi một ngày giữa năm 1967, cô được giao nhiệm vụ đặc biệt cùng bộ đội chủ lực vượt sông Bến Hải đánh vào các cơ sở của kẻ thù. Cả nước lúc đó biết đến tên cô gái Trần Thị Buổi ở Vĩnh Linh với 23 viên đạn đã tiêu diệt 19 tên địch và được tặng danh hiệu "Cô gái bắn tỉa".

Với thành tích đó, bà Buổi được thay mặt thanh niên Việt Nam dự Ðại hội thanh niên và sinh viên thế giới tại Bulgaria. Và đặc biệt, bà được gặp Bác Hồ nhiều lần. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là khi bà cùng hai  chị Trương Thị Khuê và Nguyễn Thị Xuân được vào gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Bà Buổi kể: "Bác cho xem văn công cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Thấy chúng tôi khép nép ngồi ở phía sau, Bác ân cần gọi lên cho ngồi cạnh Bác. Anh phụ trách lần lượt giới thiệu từng người một, nhưng do chưa nhớ, nên đã giới thiệu lẫn lộn tên với người. Biết vậy, nhưng chúng tôi không dám cải chính, nào ngờ vừa nghe xong, Bác cười bảo: "Ấy! Chú giới thiệu sai rồi, để Bác giới thiệu lại cho. Ðoạn Bác đưa tay về phía chị Khuê và nói: Ðây là cháu Trương Thị Khuê, xã đội phó xã Vĩnh Thủy, đã chỉ huy dân quân anh dũng chiến đấu nhiều trận với máy bay Mỹ. Rồi Bác quay sang chị Xuân nói tiếp, Ðây là cháu Nguyễn Thị Xuân, 19 tuổi, một giáo dân của xã Quảng Phúc (Quảng Bình), một mình một súng một trận địa, đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F4 tại Phà Gianh. Cuối cùng, Bác đặt tay lên vai tôi và nói: đây là cháu Trần Thị Buổi, 18 tuổi, con mẹ Thời ở xã Vĩnh Tú - Vĩnh Linh, đã xung phong vào chiến đấu tại mặt trận đường 9  Quảng Trị, với 23 viên đạn trong ba ngày, đã tiêu diệt 19 tên Mỹ - ngụy.

- Bác giới thiệu vậy, có đúng không các cháu?". Bác hỏi.

- "Thưa Bác, đúng ạ!". Chúng tôi đồng thanh đáp trong niềm cảm phục khôn cùng vì Bác Hồ bận trăm công nghìn việc mà vẫn nhớ chính xác từ tên, tuổi, gia đình, quê quán và cả thành tích của từng người. Nếu không có một tình thương yêu bao la và một sự quan tâm đặc biệt thì không thể nhớ được như vậy.

Trước lúc chia tay, mọi người đứng chụp ảnh cùng Bác. Ai cũng muốn được đứng gần Bác. Biết vậy, Bác nói: Ðược rồi, bây giờ sẽ chụp ba lần, mỗi cháu đứng gần Bác một lần được chưa? Và tấm ảnh ba nữ dân quân nhận hoa phong lan từ tay Bác Hồ được nhiều sách báo đăng tải, và được treo trang trọng tại các bảo tàng như là một minh chứng cho  tình cảm của Bác dành cho các nữ dân quân, và hơn thế nữa là dành cho đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu trên các chiến trường.

Bà Buổi tâm sự, vinh dự và hạnh phúc lớn nhất là được Bác tặng cho cái tên của một loài hoa trắng trong, tinh khiết nhưng cũng rất thơm. Ðó là hoa Bưởi. Bác nói: "Bác tặng cháu tên Bưởi, hoa bưởi trắng, đẹp lại thơm!".

Cái tên "Trần Thị Bưởi" theo bà từ đó đến nay như một lời nhắc nhủ hãy sống và làm việc xứng đáng với niềm tin yêu của Bác. Và bà đã làm được điều đó. Dù ở cương vị xã đội phó xã Vĩnh Tú anh hùng hay bí thư đoàn thanh niên, hoặc phục vụ trong quân đội sau này bà đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giờ đây dù đã về hưu ở tại quận Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng bà Bưởi cùng chồng là một sĩ quan quân đội đã về hưu vẫn tham gia tích cực các hoạt động của phường, quận và luôn giáo dục con cháu trong gia đình hãy làm tốt công việc của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và hãy sống xứng đáng với những tình cảm yêu thương mà Bác Hồ đã dành cho.