Những điểm sáng trong công tác cửa khẩu biên phòng

Trên tuyến biên giới, tình hình hoạt động của các loại tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên là các hành vi sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, hộ chiếu của người khác để XNC; lợi dụng cơ chế quản lý và sơ hở của cơ quan pháp luật Việt Nam nhằm lừa đảo, trốn thuế...

Lực lượng Biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với hành khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường biển.
Lực lượng Biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với hành khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường biển.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào thường “nóng” lên bởi các loại tội phạm: buôn bán, vận chuyển ma túy, vũ khí, buôn lậu, gian lận thương mại với diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động.

Ngoài ra, các đối tượng phản động thường móc nối, lôi kéo cán bộ thôn, bản làm nòng cốt, phát tán tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng như quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình trạng nhập khẩu gỗ lậu, hàng điện tử, hàng gia dụng, thuốc lá nhập ngoại, đường kính, xăng dầu...  

Thông qua công tác cửa khẩu, lực lượng BĐBP đã phát hiện, xử lý hơn 10  nghìn đối tượng quản lý nghiệp vụ; 91 đối tượng tội phạm có lệnh truy nã.

Điển hình, ngày 3/4/2012, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phát hiện hai đối tượng là thành viên tổ chức phản động “Đảng phục hưng Việt Nam” mang tài liệu và các thiết bị kỹ thuật nhập cảnh vào Việt Nam nhằm chống phá dịp 30/4 và 1/5; 195 vụ với 248 đối tượng vận chuyển ma túy qua cửa khẩu (thu giữ 98 bánh heroin, gần 200 kg ma túy đá,  gần 11 nghìn viên ma túy tổng hợp, 48,5 kg cần sa khô;  gần 4.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ số hàng hóa trị giá hơn 245 tỷ đồng.  

BĐBP phát huy sự nhanh nhạy trong dự đoán tình hình, chủ động ứng  phó với những thách thức an ninh phi truyền thống. Từ đầu năm 2020, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu, bố trí lực lượng kiểm dịch lên phía trước tại luồng nhập cảnh; hướng dẫn hành khách kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, cơ động bố trí nơi cách ly cho hành khách có thân nhiệt cao.

Tổ chức tiếp nhận gần 140 nghìn  người nhập cảnh, phân luồng đưa đi cách ly theo quy định. Ban hành hàng trăm văn bản, chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu phòng, chống dịch; chỉ đạo thành lập các tổ, chốt, quyết tâm, quyết liệt ngăn chặn hoạt động XNC trái phép tại các đường mòn, lối mở trên biên giới, trên biển.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự phát triển của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày 7/3/2011, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Nghị quyết số 84-NQ/ĐV về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu trong tình hình mới. Qua đó, vị trí, vai trò của chiến sĩ BĐBP trên các cửa khẩu, cảng biển ngày càng được khẳng định trong bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.  

Từ thực hiện áp dụng mô hình thủ tục biên phòng điện tử cảng biển 24 giờ trong ngày, với hệ thống hiện đại, tốc độ đường truyền nhanh, đã giúp việc khai báo của người, phương tiện XNC qua đường biển được thuận tiện; công khai, minh bạch trong thực hiện phí, lệ phí.

Từ năm 2016 đến nay, có 491 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, tất cả các hãng tàu, chủ tàu tiến hành kê khai thủ tục trên hệ thống mạng điện tử quốc gia.

Trên tuyến biên giới đất liền, lực lượng BĐBP áp dụng các mô hình cải cách hành chính tại hệ thống các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.  Mô hình “Một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen-sa-vẳn (Lào) góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục từ ba phút xuống còn dưới một phút/hành khách, được đánh giá là bước đột phá thành công về cải cách thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, hội nhập toàn diện trong khu vực các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông.

Tiếp đó, BĐBP nghiên cứu ứng dụng Cổng kiểm soát XNC tự động gắn hệ thống camera giám sát tại các cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Lào Cai. Hệ thống này tích hợp những công nghệ hiện đại như nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, tự động hóa các bước trong quy trình thực hiện thủ tục XNC, giúp thời gian làm thủ tục cho một hành khách từ 30 giây giảm xuống chỉ còn từ 5 giây đến 12 giây, đang được tiến hành triển khai mở rộng tại 17 đơn vị cửa khẩu trọng điểm.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 84 về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu của BĐBP trong tình hình mới,  Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP nhận định những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định, nhất là đại dịch Covid-19 tác động toàn diện lên các mặt của đời sống xã hội. Trong nước, hệ thống cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển cả về số lượng và quy mô. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, tuân thủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lưu thông XNC, xuất nhập khẩu ngày càng cao.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, trong những năm tới cần tập trung nâng cấp cửa khẩu, tổ chức quản lý cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu; xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý, kiểm soát XNC của BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong công tác kiểm soát XNC. Duy trì, thực hiện có hiệu quả thủ tục biên phòng điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia. Tổ chức, biên chế lực lượng cửa khẩu theo hướng tinh, gọn, chính quy, chuyên nghiệp.

Thường trực 24 giờ trong ngày tại cửa khẩu, những người lính quân hàm xanh phải đối mặt nhiều vụ việc phức tạp xảy ra hằng ngày, hàng giờ với phạm vi trong và ngoài nước. 

Loại hình xuất nhập cảnh (XNC), các loại giấy tờ, quốc tịch và đối tượng XNC vào Việt Nam ngày càng đa dạng, phức tạp.

Hầu hết các cửa khẩu trên bộ, cảng biển, khu kinh tế ven biển nằm ở địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đồng thời, là địa bàn, mục tiêu trọng điểm kẻ địch tập trung phá hoại về nhiều mặt. Có thể nói, công tác cửa khẩu là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Bài và ảnh: THÁI SƠN