Nhà báo Hà Đăng - chuyện nghề, chuyện đời

NDO -

NDĐT – Đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-2016), phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trò chuyện với nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư. Cuộc nói chuyện là những hồi ức sống động của một sự nghiệp báo chí sôi động với nhiều tình tiết thú vị.

Nhà báo Hà Đăng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-2016).
Nhà báo Hà Đăng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-2016).

Cơ duyên với báo Đảng

Đúng hẹn, chúng tôi tới phỏng vấn nhà báo Hà Đăng ở nhà riêng trên phố Đốc Ngữ, Hà Nội. Ông đón chúng tôi rất vui và cởi mở trò chuyện. Câu chuyện bắt đầu về những kỷ niệm và cái duyên đưa ông đến với báo Đảng.

Phóng viên: Thưa ông Hà Đăng, cơ duyên nào đã đưa ông đến với Báo Nhân Dân?

Ông Hà Đăng cười, nụ cười hiền quen thuộc.

Nhà báo Hà Đăng: Nếu như nói về cuộc đời làm báo của tôi, thì có thể kể hơi dài dài một chút. Từ năm 1950, tôi bắt đầu làm thư ký của Tòa soạn Tạp chí Miền Nam, cơ quan của Ban đại diện Văn hóa cứu quốc miền Nam Trung Bộ, tiếp đó làm phóng viên của báo Văn Nghệ Liên khu 5.

Đến năm 1952, tôi được điều động làm biên tập viên Báo Nhân Dân Liên khu 5. Năm 1955, tôi tập kết ra Bắc. Sau khi học một tháng ở Chèm, lớp dành cho các cán bộ miền Nam tập kết, tháng 7-1955, tôi được điều về làm việc tại Báo Nhân Dân, Hà Nội.

Có thể nói, cơ duyên làm Báo Nhân Dân bắt đầu từ đấy. Tôi không thể nói là mình lựa chọn công việc được. Tổ chức phân công làm việc ở đâu, thì mình làm ở đó theo điều động thôi.

Vậy là, cuộc đời tôi chính thức gắn bó với báo Nhân Dân từ năm 1955. Trải qua nhiều giai đoạn, tôi lại có những kỷ niệm đáng nhớ.

Kỷ luật của báo Đảng

Phóng viên: Về Báo Nhân Dân, ông có những kỷ niệm đáng nhớ gì?

Nhà báo Hà Đăng - chuyện nghề, chuyện đời ảnh 1

Nhà báo Hà Đăng: Buổi đầu, khi mới về Báo Nhân Dân, chúng tôi rất ấn tượng khi được đồng chí Hoàng Tùng lúc ấy là Tổng Biên tập trực tiếp gặp gỡ anh em ở Liên khu 5 ra tập kết. Đoàn chúng tôi tập kết từ Liên khu 5 ra có bảy người. Có đồng chí đã là Thường vụ Tỉnh ủy, có một số giữ cương vị lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện. Đồng chí Hoàng Tùng tiếp anh em rất thân mật.

Trong lúc nói chuyện, đồng chí bảo: “Các anh ở địa phương có thể giữ chức vụ này, chức vụ khác. Về đây làm báo Đảng, các anh cần tuân theo quy định của báo Đảng. Tôi làm Tổng Biên tập thay mặt cho T.Ư sẽ theo dõi việc thực hiện các quy định đó. Anh nào nỗ lực học tập, làm việc tiến bộ thì sẽ cùng làm việc với nhau. Còn anh nào không làm được việc thì không nên ở Báo Nhân Dân”.

Qua lời nhắn nhủ ấy, chúng tôi hiểu rằng, làm báo Đảng có kỷ luật rất nghiêm, không phải muốn làm gì thì làm. Điều đó gây cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc.

Một điểm đáng nhớ nữa là đồng chí Hoàng Tùng khi ấy hết sức chú ý đến việc học tập và rèn luyện của cán bộ, phóng viên. Trong cơ quan lúc bấy giờ, số cán bộ có trình độ đại học chỉ mấy người, còn lại phần lớn ở trình độ trung học, tú tài là cao nhất. Đồng chí căn dặn: Về đây, một là, các đồng chí phải học tập chính trị để hiểu biết đường lối của Đảng. Thứ hai là, học tập nghiệp vụ, đi vào cuộc sống. Thứ ba, phải nâng cao trình độ văn hóa. Anh có nói một câu mà tôi rất ấn tượng: “Chúng ta, Báo Nhân Dân không thể làm báo mãi với trình độ lớp 10 được”.

Đồng chí Tố Hữu lúc ấy cũng thường xuyên đến thăm báo Đảng. Đồng chí căn dặn: Làm báo Đảng phải có ba bằng đại học: đại học văn hóa, đại học chính trị, đại học đường đời. Đại học đường đời là đi vào cuộc sống để phản ánh trung thực cuộc sống, phát hiện những vấn đề của cuộc sống, đề xuất những giải pháp. Bản thân tôi và các đồng nghiệp theo những chỉ dẫn ấy, đã học tập và làm việc hăng say.

Tôi được cơ quan cho theo học tại khoa Văn tại chức (ban đêm) của Trường Đại học Tổng hợp với gần chục đồng chí nữa. Sau đó, tôi được cử đi học Trường Đảng cao cấp của Liên Xô.

Tác giả của bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông”

Phóng viên: Thưa ông, với bạn đọc trung thành của Báo Nhân Dân vào những năm 60 của thế kỷ trước, bài báo Ba lần đuổi kịp trung nông của ông đã để lại tiếng vang lớn, mở đầu cho phong trào thi đua Gió Đại Phong nổi tiếng, vậy ông có thể kể lại cảm hứng nào giúp ông viết được tác phẩm đó?

Nhà báo Hà Đăng lại cười. Ký ức của một thời tuổi trẻ lao động, cống hiến hăng say cứ hiện về. Ông kể…

Nhà báo Hà Đăng: Vào những năm 1959-1960, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lên cao. Là phóng viên nông thôn của Báo, với chiếc xe đạp tòng tọc, tôi cũng như nhiều anh em khác đã rong ruổi nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4 cũ.

Tháng 12-1960, lần đầu tiên tôi được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới, đang có một hội nghị tổng kết về phong trào hợp tác hóa. Do lỡ một chuyến xe đò, tôi đến hội nghị quá chậm, vào lúc gần kết thúc. Lúc ấy, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đang nói chuyện. Đồng chí đặc biệt biểu dương hợp tác xã Đại Phong làm ăn tốt.

Cảm nhận đây là một điển hình hay, ngay sau hội nghị bế mạc, tôi bám lấy Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị được cùng anh về thăm hợp tác xã, không phải qua tỉnh, huyện nữa. Ý kiến đó được Chủ tịch tỉnh Trần Vũ ủng hộ. Bởi chính ông cũng muốn được về thăm huyện Lệ Ninh và hợp tác xã Đại Phong. Ngay ngày hôm sau, tôi cùng ông và Chủ nhiệm Ánh, trên một chiếc xe jeep cũ, chạy về hướng đó. Chủ nhiệm sắp xếp cho tôi ở nhà một bà cụ xã viên.

Liền mấy hôm, tôi đi khảo sát tình hình ở hợp tác xã, nghe Chủ nhiệm báo cáo và phỏng vấn các gia đình xã viên. Người cung cấp cho tôi nhiều điều lý thú lại chính là bà cụ nông dân nhà tôi ở.

Để giới thiệu vùng khai hoang của hợp tác xã, Chủ nhiệm Ánh, bằng một con thuyền gỗ nhỏ, đã đưa chúng tôi đến “miền tây”, tới vùng nông trường Lệ Ninh, nơi mà sau này, khi xảy ra chiến tranh, bị máy bay địch bắn phá ác liệt.

Khách của hợp tác xã Đại Phong lúc này khá nhiều, từ nhiều nơi trong tỉnh đến. có ngày Chủ nhiệm Ánh phải tiếp vài ba lượt. Và mỗi lần anh tiếp khách, tôi lại dự nghe để lấy thêm tài liệu, cũng là để kiểm tra xem anh nói có gì không đúng với thực tế không, có gì bị che giấu hoặc được thổi phồng lên.

Cái hay của hợp tác xã Đại Phong là cái hay của một hướng phát triển mới: từ tổ đổi công lên hợp tác xã, và từ hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã lớn. Tôi viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”, phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của hợp tác xã. Thoạt đầu, ở đâu cũng vậy, chỉ có những gia đình nghèo, ít ruộng đất, gia đình bần cố nông mới hưởng ứng hợp tác hóa, do đó mức sống trong hợp tác xã là rất thấp. Hồi ấy, Đảng đề ra khẩu hiệu “đuổi kịp mức sống trung nông” và phát động phong trào “phá xiềng ba sào”. Nhiều nơi tính bình quân, mỗi người không được ba sào ruộng đất nên phải vừa tăng vụ vừa khai hoang thêm.

Lần thứ nhất, hợp tác xã Mỹ Phước, tiền thân của hợp tác xã Đại Phong, được thành lập trên cơ sở một tổ đổi công gồm hầu hết là các hộ từ giới tuyến ra, ở một vùng đất nghèo kiệt, làm ăn cực kỳ vất, tất cả là bần cố nông. Hợp tác xã dùng phương thức sản xuất hợp tác, kết hợp làm ruộng với chăn nuôi vịt, vừa tăng năng suất vừa khai hoang vỡ hóa mở rộng diện tích, nâng mức sống của họ lên kịp mức sống trung nông.

Lần thứ hai, hợp tác xã Mỹ Phước, cùng với hợp tác xã thôn bên, hợp lại thành hợp tác xã 6-1, làm cho mức sống chung của hợp tác xã tụt xuống. Một lần nữa hợp tác xã 6-1 lại phấn đấu.

Lần thứ ba, thêm mấy hợp tác xã nhỏ nữa xin gia nhập hợp tác xã 6-1, thành hợp tác xã Đại Phong. Cứ mỗi lần như vậy, hợp tác xã lại phấn đấu bằng nhiều cách để đạt được mức sống trung nông. Mức sống trung nông, theo cách hiểu của Đại Phong là có năm cái đủ ở mức tối thiểu: đủ gạo ăn, đủ quần áo mặc, đủ thức ăn và dầu đèn, đủ tơi nón và đủ tiền sửa chữa nhà cửa.

Nhà báo Hà Đăng - chuyện nghề, chuyện đời ảnh 2

Bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” đăng Báo Nhân Dân ngày 9-1-1961 (ảnh trên). Ngày hôm đó, Tổng Biên tập nhận được điện thoại từ chỗ Bác, khen đây là một điển hình tốt. Và ngày 11-1-1961, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Nông thôn T.Ư, lúc đó do đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban, trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên viên am hiểu về vấn đề nông nghiệp và nông thôn vào Đại Phong làm việc trong nhiều ngày.

Khi về, giữa những ngày giáp Tết Tân Sửu, anh đích thân chữa bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong. Bài này được đăng cả một trang Báo Nhân Dân. Cũng từ đó, một phong trào thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, nói chung là Phong trào Đại Phong nổi lên khắp cả nước.

Những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Hội nghị hòa bình Paris

Phóng viên: Xin ông kể lại những kỷ niệm sâu sắc sau khi đi học ở Liên Xô về.

Nhà báo Hà Đăng: Sau ba năm học ở Trường Đảng cao cấp Liên Xô, tháng 8-1964, tôi về nước và lại nhận nhiệm vụ ở Báo Nhân Dân, trực tiếp là Ban miền Nam của Báo. Lúc này, Mỹ đã bắt đầu ném bom đánh phá miền Bắc, gây ra cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt. Trưởng ban miền Nam của báo là anh Trần Kiên. Tôi là phó, được phân công phụ trách mảng quân sự và chính trị của miền Nam. Đây cũng là thời kỳ tôi viết sung sức nhất. Cứ vài ba ngày lại có tên trên mặt báo.

Ông giở cuốn sách “Thế ta thế thắng” cho tôi xem những bài ông tâm đắc. Cuốn sách dày hơn 800 trang là tuyển chọn từ hơn 400 bài bình luận và chuyên luận của ông kể từ cuối năm 1964 đến năm 1975. Đó là những bài viết vạch trần bộ mặt tay sai ngoan cố của chính quyền Sài Gòn, và thế thất bại hiển nhiên của Mỹ, như “Chiến tranh ở Nam Việt Nam lan đến Hoa Thịnh Đốn”, “Tòa đại sứ, phủ toàn quyền”, “Nava dạy khôn Mỹ”, “Taylo múa gậy trên vũng lầy”, “Mùa khô đại bại và sự bối rối của Giônxơn”, “Oétmolen “đánh trận mồm” ở Mỹ”, v.v. Ông nói tiếp...

Vào dịp Tổng tiến công Mậu Thân 1968, tôi viết xã luận “Cả miền Nam đang rầm rập xốc tới với khí thế xung thiên”, hay “Toàn dân đứng lên, khắp nơi nổi dậy”. Bài “Thần thoại mới của sông Hương” biểu dương 10 nữ chiến sĩ tự vệ Huế đánh tan một tiểu đoàn địch. Bài “Quân giải phóng đã trả lời sự thách thức của Mỹ ở Làng Vây”, đăng ngày 8-2-1968, chỉ rõ rằng cái chốt Làng Vây đã bị diệt thì Khe Sanh trên phòng tuyến Mắc Namara như cá nằm trên thớt. Không ngờ, 30 năm sau (năm 1998), Bộ Chỉ huy bộ đội Tăng thiết giáp đề nghị Báo Nhân Dân cho in lại bài báo đó để đưa vào bảo tàng của binh chủng, coi như là một minh chứng về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Làng Vây và trận đầu ra quân thắng lợi của binh chủng.

Sau Tết Mậu Thân, tháng 5-1968, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris. Đầu tháng 11, Mỹ mới đồng ý. Cũng đầu tháng 11, sau khi viết xong bài “Phá bĩnh và láo xược”, tôi đang lững thững dưới gốc cây đa ở 71 Hàng Trống thì nhìn thấy xe anh Hoàng Tùng đi họp về. Anh nhìn thấy tôi liền gọi bảo: “Chuẩn bị đi Paris nhé“. Tôi hỏi: “Đi làm gì hả anh?”. Anh nói vui vui: “Đi làm phụ tá cho bà Bình”.

Tôi băn khoăn không biết sẽ làm nhiệm vụ gì. Thì ra, tôi được cử tham gia Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Paris, nhiệm vụ được phân công là viết các bài phát biểu chuẩn bị sẵn của đồng chí Trưởng đoàn.

Những phiên họp đầu tiên, mỗi tuần một lần, tập trung vào việc nói rõ bản chất của cuộc chiến tranh, và lập trường đàm phán của ta, vạch trần bộ mặt xâm lược của Mỹ và vai trò tay sai của chính quyền Sài Gòn, khẳng định Mặt trận Dân tộc giải phóng là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam. Tôi viết bài rồi các thành viên trong đoàn đóng góp ý kiến, sửa chữa bổ sung.

Tôi nhớ, hồi đó chị Duy Liên, đoàn viên của Đoàn (sau giải phóng làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) bảo tôi: “Anh Đăng ơi, sao anh viết bài hiền dữ vậy? Anh phải đập cho thằng ngụy nó đau vào chứ”. Tôi hỏi lại: “Thế viết cho nó đau là thế nào?”. Chị bảo: “Đây, tôi có mấy bài báo cắt từ Hà Nội mang sang. Anh đọc để tham khảo”. Chị đưa tôi hai bài. Một là bài “Mười tội chết của bọn Thiệu, Kỳ”, hai là bài “Thằng Kỳ”. Thì ra, đó là hai bài tôi viết ở nhà. Tôi cười bảo chị: “Viết báo thế này là được còn viết văn đàm phán thì khác chứ!”.

Viết bài phát biểu của đồng chí Trưởng đoàn gặp nhiều khó khăn. Bài viết phải qua nhiều lần dự thảo, nhiều cấp sửa, duyệt, rất vất vả. Một bài đàm phán mà đưa ra tập thể bàn bạc thì quả là chín người mười ý. Tôi hơi bức xúc và xin gặp đồng chí Xuân Thủy đề nghị thay đổi quy trình viết. Anh cười và đọc cho nghe một bài thơ vui của anh:

Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi

Viết đi viết lại vẫn chưa rồi

Người giao anh viết: Anh là thánh

Anh viết, người chê dở nhất đời.

Anh Xuân Thủy kể, khi đọc cho anh Trường Chinh nghe bài thơ này, anh Trường Chinh họa lại như sau:

Đấu lý bao giờ cũng thế thôi

Nói đi nói lại vẫn chưa rồi

Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch

Đế quốc rồi đây sẽ hết đời.

Đàm phán Paris kéo dài gần 5 năm. Đã có 160 phiên họp, tức là có 160 bài diễn văn chuẩn bị sẵn. Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu bài, nhưng chắc chắn là hơn một nửa.

Người gắn bó với công cuộc đổi mới

Phóng viên: Năm nay là tròn 30 năm tổng kết công cuộc đổi mới, ông đã có rất nhiều bài viết về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Ông đã xuất bản cuốn sách năm 2006 với tựa đề “Cái mới của đổi mới”. Mỗi bài viết của ông đều đề cập từng lĩnh vực mới với hình thức mới lạ, sinh động, văn phong hấp dẫn bạn đọc. Vậy đâu là bí quyết để ông luôn có sức sáng tạo dồi dào như vậy?

Nhà báo Hà Đăng: Là nhà báo, trước hết cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và đạo đức tốt, nhưng về nghiệp vụ, cũng cần phải có khả năng làm việc tốt. Như Bác Hồ đã từng nói, cán bộ nói chung phải có đức có tài. Đức là gốc, nhưng tài cũng rất quan trọng. Nhà báo, có đức mà không có tài thì không thể có được tác phẩm hay. Cái tài của nhà báo ở đây là nắm bắt được đường lối, chủ trương chính sách, nắm bắt được tình hình, thực tế. Rồi bằng bút pháp của mình thể hiện những gì mình nắm bắt thành tác phẩm báo chí. Có những người nắm bắt được đường lối rất vững nhưng thể hiện ra rất khó khăn. Có người nắm bắt được thực tiễn nhưng trong thực tiễn ngổn ngang đó, cái gì là chính yếu nhất, nổi bật nhất cần sử dụng cho bài báo thì lại lúng túng.

Kinh nghiệm của tôi khi viết về đề tài đổi mới là phải suy nghĩ kỹ, chắt lọc được cái mới, tránh những gì mà các bài báo trước hay báo khác đã nói rồi.

Tết Bính Thân vừa rồi, các anh ở Báo Nhân Dân đặt tôi viết bài theo chủ đề Đại hội XII và 30 năm đổi mới cho ba ấn phẩm của Báo Nhân Dân với cùng một chủ đề, đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều lắm để vừa có cái mới, lại vừa không có sự trùng lặp trong ba ấn phẩm đó. Cuối cùng, tôi đã chọn ba đầu đề khác nhau cho ba ấn phẩm đó. Với Nhân Dân hằng ngày, đó là “Đất nước 30 năm đổi mới”, với Thời Nay, là “Ngày Xuân, bàn về chữ Sớm”. Và với Nhân Dân hằng tháng, đó là “Bác Hồ, Đảng, Dân tộc và Mùa Xuân”.

Chắc các bạn đã đọc, đã biết nội dung và dư luận phản hồi về các bài báo đó.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nhà báo Hà Đăng - chuyện nghề, chuyện đời ảnh 3
Nhà báo Hà Đăng - chuyện nghề, chuyện đời ảnh 4

Nhà báo Hà Đăng với các thế hệ làm Báo Nhân Dân.

Chúng tôi chia tay nhà báo Hà Đăng. Tiết trời đầu tháng ba se se lạnh. Mưa lất phất. Ở tuổi gần 90, sức ông vẫn khỏe, trí tuệ minh mẫn lạ thường. Ông vẫn nhớ như in từng tên người, lịch sử từng bài báo mà ông đã viết trong những năm tháng cầm bút. Dù ở vị trí công tác nào, ông vẫn luôn gắn bó với Báo Nhân Dân. Trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn là cộng tác viên đặc biệt của Báo, dõi theo từng bước phát triển của báo Đảng. Những câu chuyện của ông chính là những kinh nghiệm nghề nghiệp quý của một nhà báo luôn đổi mới. Tôi nhớ lại khung cảnh ông phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội), ngày 9-3 vừa qua. Trong câu chuyện của mình, ông kể, cách đây 5 năm, trong buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Báo Nhân Dân, có anh em bên Tạp chí Cộng Sản hỏi đùa rằng, giữa Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng Sản, cán cân tình cảm của ông nghiêng về phía nào. Ông trả lời dí dỏm:

Sắt son một mảnh tâm hồn

Nửa nghiêng Cộng Sản, nửa dồn Nhân Dân.

Xuân Bính Thân năm nay, nhân buổi làm việc khai xuân của Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Thuận Hữu đề nghị ông phát biểu trước, ông vụt nhớ đến lời chúc Tết của Bác Hồ năm xưa liền ứng khẩu đọc hai câu thơ mừng báo Đảng:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay báo Đảng chắc càng thắng to!

Nghe ông kể lại chuyện nghề, chuyện đời, tiếng vỗ tay vang rộn khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị để vinh danh một nhà báo lão thành, một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã hết lòng vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt 65 năm qua.

Nhà báo Hà Đăng sinh năm 1929 tại Phú Yên. Ông là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (1987-1992), Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư (1992-1996), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản (1996-2001), Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).