Người dân luôn được đặt vào trung tâm của mọi mục tiêu, định hướng phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam

NDO -

Các chính sách và biện pháp của Chính phủ Việt Nam về an ninh, kinh tế, an sinh xã hội được thực thi rất tốt. Người dân luôn được đặt vào trung tâm của mọi mục tiêu, định hướng phát triển. Một trong những minh chứng cụ thể và sinh động là nỗ lực trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay.

Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama. (Ảnh: qdnd.vn)
Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama. (Ảnh: qdnd.vn)

Đặt ra vấn đề chủ nghĩa xã hội là gì và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội gắn với thực tiễn của Việt Nam như thế nào, bài viết gợi mở cho người đọc suy ngẫm và nhận thức về con đường mà Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đang kiên trì theo đuổi để xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, phù hợp với quy luật chung và với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Các dấu mốc, giai đoạn phát triển quan trọng của Việt Nam cùng câu chuyện thành công trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới được đề cập kỹ lưỡng và chi tiết trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là một người luôn dõi theo sự phát triển của Việt Nam trong từng thời kỳ, đặc biệt là từ công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, là một người quan tâm dõi theo những bước đi lên của Việt Nam trong hơn 41 năm, tôi có thể khẳng định rằng sự phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã làm cho thế giới vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục.

Cách đây hơn 30 năm, khi thế giới còn đang phải đối phó với những chuyển biến phức tạp thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm vững tình hình và đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng là thực hiện công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam phát triển trong một điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Đây là dấu mốc then chốt trong lịch sử của đất nước Việt Nam độc lập. Với nhận thức đúng đắn và nhiều bài học kinh nghiệm, những quyết sách phù hợp với sự phát triển của đất nước trong dòng chảy chung của khu vực và quốc tế đã được đưa ra, góp phần xây dựng nền kinh tế và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Việt Nam. Những thành tựu đáng ngưỡng mộ trong 35 năm đổi mới đưa Việt Nam chuyển mình thành một điểm sáng của khu vực là minh chứng hùng hồn cho đường lối phát triển đúng đắn. Với cách lập luận rõ ràng, bằng những kết quả thuyết phục, lý do Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được bài viết lý giải và một lần nữa khẳng định đây là sự lựa chọn tất yếu.

Cụm từ “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” cùng những vấn đề về đời sống, lợi ích của người dân được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt trong bài viết của ngài Tổng Bí thư. Điều này cho thấy trăn trở và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm. Bài viết chia sẻ ước mơ tốt đẹp về một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Đây chính là sự kế thừa, vận dụng và cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa không biết mệt mỏi với tâm niệm “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187).

Các chính sách và biện pháp của Chính phủ Việt Nam về an ninh, kinh tế, an sinh xã hội được thực thi rất tốt. Người dân luôn được đặt vào trung tâm của mọi mục tiêu, định hướng phát triển. Một trong những minh chứng cụ thể và sinh động là nỗ lực trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay. Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc hỗ trợ người dân chăm lo sức khỏe, ổn định đời sống, duy trì đà phát triển kinh tế, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội thông qua Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19... Những thành tựu phát triển chỉ thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn khi đem đến lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân bởi ở Việt Nam, không ai bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở lấy người dân làm gốc, coi sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển như đã đề cập trong bài viết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc để bảo vệ nền độc lập dân tộc quý báu. Việc tập hợp, lãnh đạo và tăng cường tình đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân là thành công quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh trước đây để đất nước được độc lập, tự do cũng như trong sự nghiệp củng cố, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và hội nhập ngày nay.

Phải khẳng định rằng, việc giữ gìn độc lập và tiếp tục phát triển là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là trong một thế giới nhiều biến động với hàng loạt nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những thành công trong suốt chặng đường vừa qua là cơ sở quan trọng để các quốc gia trên thế giới quan tâm và phát triển mối quan hệ với Việt Nam. Môi trường chính trị, an ninh - xã hội ổn định và những chính sách đầu tư thông thoáng đã tạo điều kiện cho những tập đoàn, công ty lớn của thế giới đến làm ăn tại Việt Nam.

Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Sự hội nhập toàn diện, chủ động đã ghi lại dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế, bằng những đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Cùng với những nỗ lực không biết mệt mỏi để hòa mình vào xu thế hợp tác toàn cầu, năm 2020 tiếp tục đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại, nhất là ngoại giao đa phương khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và nỗ lực để vượt qua những thách thức chưa từng có đã được đền đáp bằng thành quả xứng đáng. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ, được lắng nghe tại các cơ chế hợp tác đa phương hàng đầu và được các quốc gia đặc biệt coi trọng. Ngoài ra, trong cuộc chiến chung toàn cầu chống đại dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp chống dịch minh bạch, quyết liệt, Việt Nam còn gây ấn tượng mạnh mẽ qua sự tương trợ, đoàn kết dành cho bạn bè quốc tế, nỗ lực chia sẻ, dành sự giúp đỡ chân tình bằng những hành động cụ thể, thiết  thực.

Bên cạnh đó, việc tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng đã trở thành một trong những điểm nhấn đầy tự hào trong dấu ấn và bản sắc đối ngoại Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ đối với Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc bao hàm khát vọng của mọi dân tộc tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng chính là mục tiêu, tinh thần nhất quán và nhân văn mà đất nước được xem như biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới muốn lan tỏa.

Tôi tin rằng, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu rất rõ rằng, độc lập dân tộc không phải là món quà tặng của ai đó, mà là thành quả của quá trình đấu tranh trường kỳ, lâu dài, nhiều hy sinh, thử thách. Mỗi người Việt Nam đều rất biết trân trọng giá trị của độc lập dân tộc và đoàn kết thống nhất để bảo vệ đất nước bởi những ai đã trải qua chiến tranh lại càng hiểu rõ và trân trọng ý nghĩa của hòa bình. Những đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực gìn giữ hòa bình của thế giới, tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương... là nguồn cảm hứng, khích lệ bất tận cho dân tộc Palestine và các dân tộc khác  đang đấu tranh cho độc lập, tự do và các quyền cơ bản của con người, bởi chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng.

Trong giai đoạn phát triển then chốt, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời khẳng định về tính đúng đắn và tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, và cũng là lời kêu gọi đoàn kết đồng lòng gửi đến toàn thể người dân, sẵn sàng chuẩn bị để Việt Nam đón nhận những thời cơ và thách thức mới trong dòng chảy không ngừng của thời đại.

Những người yêu mến Việt Nam, yêu chuộng hòa bình, trân trọng các giá trị tiến bộ và nhân văn của nhân loại luôn dõi theo sự phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với mong mỏi đất nước Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn nữa, bồi đắp vai trò thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, đóng góp cho việc xây dựng một nền hòa bình công bằng và bền vững, trong khu vực và trên thế giới.