Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư đã chỉ ra những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước, trong đó "Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững".

Kiểm đếm và đóng gói áo sơ-mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Kiểm đếm và đóng gói áo sơ-mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ðây cũng chính là yếu kém nội tại của nền kinh tế đã được Ðảng ta đề cập trong Văn kiện Ðại hội XIII. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng.

Trước các tác động tiêu cực từ những biến động kinh tế thế giới, để chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước, sức chống chịu, khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng và là nền tảng để phát triển bền vững. Sức chống chịu, khả năng thích ứng này thể hiện từ cấp độ của người dân, là tác nhân đầu tiên của nền kinh tế với tư cách là người tham gia vào thị trường lao động, người tiêu dùng, cho đến các gia đình, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương.

Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Những thách thức, yếu kém nội tại trước đây như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng càng thúc đẩy quá trình cải cách thể chế hơn nữa, từ đó, cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Cần tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và làn sóng dịch chuyển đầu tư. Bởi việc thực thi các hiệp định thương mại tự do với các tiêu chuẩn cao hơn và các quy định, cam kết như không sử dụng lao động trẻ em, nâng cao dần mức độ bảo vệ môi trường, thúc đẩy năng lượng tái tạo… sẽ tạo ra thách thức và cũng là động lực để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Tận dụng tiềm năng, đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế số. Xây dựng chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, cải thiện để sẵn sàng thích ứng trong kỷ nguyên công nghệ số.

Ðịnh hướng về mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số, sẽ bảo đảm duy trì nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Một yếu tố quan trọng là phát triển nguồn nhân lực có tri thức hiện đại, có kỹ năng, giàu động lực sáng tạo, mạnh dạn chấp nhận rủi ro; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, tinh thần kiến tạo, có năng lực chuyên môn, sáng tạo, hết lòng phụng sự nhân dân.