Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thụy Sĩ

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Thụy Sĩ từ ngày 25/11 đến 29/11.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin trong cuộc gặp tại New York (Mỹ) tháng 9/2021 - (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin trong cuộc gặp tại New York (Mỹ) tháng 9/2021 - (Ảnh: TTXVN)

Ðây là chuyến thăm chính thức châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới. Chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Năm 1971 đánh dấu thời điểm Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nửa thế kỷ hợp tác tốt đẹp, quan hệ song phương không ngừng phát triển và ngày càng bền chặt. Trên nền tảng quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2020 đạt 863,5 triệu USD. Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với 177 dự án đầu tư trực tiếp tại nước ta với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước là hợp tác phát triển. Là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong ba thập kỷ qua, tổng kinh phí tài trợ của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam lên tới 600 triệu USD. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sĩ tài trợ cả song phương và đa phương được triển khai tích cực, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tháng 3/2021, Thụy Sĩ công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam 2021-2024 với số vốn ODA là 85 triệu USD, theo đó Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác. Nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao, Thụy Sĩ đã tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Thúc đẩy ngoại giao đa phương là một trong những trọng tâm trong chuyến công tác châu Âu lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ, Chủ tịch nước sẽ thăm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếp lãnh đạo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)..., qua đó khẳng định sự chủ động tham gia, tích cực đóng góp của Việt Nam trong các thể chế đa phương. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, WHO là nguồn cung cấp thông tin chính thống nhất về tình hình dịch bệnh, phương pháp điều trị, chất lượng vắc-xin và các thông tin chuyên môn khác, cũng như phối hợp các bên giúp Việt Nam tiếp cận nhanh chóng các nguồn vắc-xin, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của nước ta.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Thụy Sĩ, từ đó mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Chuyến thăm cũng góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các thể chế đa phương, khẳng định đường lối đối ngoại do Ðại hội XIII của Ðảng đề ra là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu ■

Nhân Dân