Kỷ niệm và những giai điệu không thể nào quên

Nhạc sĩ Huy Thục
Nhạc sĩ Huy Thục

Kỷ niệm về Bác là hồi ức không thể nào phai trong cuộc đời nhạc sĩ Huy Thục. Tình cảm đối với Người luôn là nguồn cảm hứng vô tận, để ông viết nên những bài ca đi cùng năm tháng. "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" là một trong những bài ca như thế. Giọng xúc động, ông trở lại thời khắc đau thương của cả dân tộc hơn 40 năm trước, khi hay tin Bác mất. Thời điểm đó, cùng các nhạc sĩ quân đội có mặt tại Hà Nội vào viếng Người, nhạc sĩ Huy Thục không thể quên không khí đau buồn như trùm cả cỏ cây. Ðêm về, ông đã sáng tác "Ðời đời nhớ ơn Bác", nhưng bản thân không thấy hài lòng về những gì mình vừa viết. Nhạc sĩ đã quyết định vào chiến trường, cảm nhận sâu xa hơn nữa nỗi đau này từ những  cán bộ, chiến sĩ, dân công ... đang chiến đấu ngoài mặt trận. Mặc dù khi ấy, ông đang đau yếu vì đã ba lần chảy máu dạ dày. "Tôi đã gặp những chiến sĩ trẻ trên trận địa pháo, tên lửa, ngày đêm hướng nòng súng về phía kẻ thù; gặp những cô gái thanh niên xung phong không quản đạn bom, san lấp mặt đường để từng đoàn xe nối nhau ra trận; đi tới sông Gianh, vẫn thấy trùng trùng những đoàn dân công tiếp lương, tải đạn; gặp đồng bào Pa Cô - Vân Kiều,... tất cả đều tỏ rõ quyết tâm giải phóng miền nam,  quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng. Chúng tôi, trong tâm khảm vẫn cảm thấy Bác Hồ chưa đi xa. Người vẫn ở bên và dẫn dắt chúng ta đến thắng lợi cuối cùng là độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà". Cảm xúc ấy dâng trào mãnh liệt,  hòa vào từng ca từ, nốt nhạc: " Ðêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân, tiến bước theo con đường của Bác... chiến đấu cho quê nhà nam - bắc hòa lời ca".

Nhạc sĩ mở ngăn tủ lấy ra tập tư liệu quý, gồm những bản thảo các ca khúc nổi tiếng ông viết từ chiến trường -  tất cả đã nhuốm mầu thời gian. Chỉ cho tôi xem bức ảnh đen trắng còn khá rõ nét, chụp đội thiếu nhi, trong đó có cậu bé Huy Thục năm nào, đầu đội mũ ca-lô, người đeo trống ếch, ông tâm sự: "Tôi đã gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng có hai lần để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Ấy là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi còn nhỏ, được  tham gia Ðoàn Nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Ðế. Do có nhiều thành tích nên tháng 10-1946, Ðoàn Nhi đồng Mai Hắc Ðế được vinh dự đến Ga Hàng Cỏ, đón Bác Hồ trở về từ Pháp, sau khi Người dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô. Ðược theo Bác về Bắc Bộ phủ, tại đây, tôi đại diện đoàn, đọc một bài thơ chúc mừng Bác trở về; được Bác ôm hôn và chia kẹo. Hôm sau chúng tôi lại được chụp ảnh cùng Bác tại Ấu trĩ viên (nay là Cung thiếu nhi Hà Nội), khi Bác gặp gỡ và cảm ơn đoàn thủy thủ người Pháp...". Những tình cảm thiêng liêng từ thuở ấu thơ ấy đã theo nhạc sĩ suốt những năm tháng trường kỳ qua hai cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Và lần thứ hai, ông nhắc đến với một xúc cảm khôn nguôi, đó là đêm 31-12-1968, khi Ðội xung kích của Ðoàn văn công Tổng cục Chính trị vừa từ mặt trận ra Hà Nội, nhận Huân chương Chiến công Giải phóng hạng hai, do thành tích chiến đấu, biểu diễn ở mặt trận Khe Sanh - Ðường 9. Ðêm biểu diễn báo cáo ấy tại Phủ Chủ tịch, có các tác phẩm nhạc sĩ Huy Thục sáng tác từ trong mặt trận: Tiến lên chiến sĩ đồng bào (phổ thơ chúc Tết 1969 của Bác). Bài thơ này được cấp trên bí mật gửi trước vào chiến trường, để nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc, Dòng suối La La, Người con gái Pa Cô, Tiếng đàn Ta Lư.  Trước đó, có ý kiến cho rằng, bài Tiếng đàn Ta Lư có tiết tấu sôi nổi, không phù hợp khi biểu diễn cho Bác nghe, đề nghị nhạc sĩ sửa lại. Nhưng nhạc sĩ trả lời rằng, bài hát này đã được ca sĩ Vân Anh biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, được cổ vũ nồng nhiệt, được bà con Pa Cô gọi là bài hát của "miềng" (mình). Họ yêu thích đến mức, đổi tên gọi Ðội xung kích thành "đội Vân Anh Ta Lư". Bởi thế, nhạc sĩ đề nghị được giữ nguyên. Ðêm biểu diễn phục vụ Bác, tại Phủ Chủ tịch, bài hát được nghệ sĩ Tường Vi thể hiện. Khi cô vừa hát xong đoạn đầu, bỗng nhiên, Bác bảo dừng lại. "Cả hội trường lặng đi, hồi hộp. Tôi toát mồ hôi. Bác hỏi: Chú nhạc sĩ sáng tác bài hát này có mặt ở đây không? Tôi bước lại bên Bác, thưa: Dạ, cháu ạ. Bác lại hỏi: Chú hiểu gì về người Pa Cô? Tuy lo lắng nhưng đã từng sống với người dân Pa Cô, nên tôi bình tĩnh: Thưa Bác, người dân tộc Pa Cô - Vân Kiều không có họ. Họ ơn Ðảng, ơn cách mạng, họ mang họ Hồ. Hình ảnh quen thuộc mà cháu nhận thấy là trước ngực họ đeo đàn Ta Lư, sau lưng gùi lương thực của cách mạng. Dù đói, khát, ăn rau rừng, uống nước suối nhưng đồng bào không bao giờ lấy một hạt gạo của cách mạng...". Nghe đến đây, Bác quay lại, nói với tất cả mọi người: "Chúng ta phải học tập người Pa Cô - Vân Kiều, dù họ phải uống nước suối, ăn rau rừng nhưng họ không tơ hào một hạt gạo của cách mạng". Rồi Bác còn nói vui: Sao bài hát của chú lại là "Tieng dan ta lu"? (gõ máy chữ không dấu). Cả hội trường vỡ òa. Còn tôi đẫm mồ hôi, vừa hồi hộp, vừa xúc động ghi nhận một bài học lớn". Sau hôm đó, nhạc sĩ Huy Thục cùng nghệ sĩ Tường Vi đã được Bác thưởng Huân chương Chiến công hạng hai.

Suốt dặm dài hai cuộc kháng chiến, nhạc sĩ đã đến và cảm nhận những tình cảm tha thiết của người dân trên khắp mọi miền đất nước đối với Ðảng và Bác Hồ, đặc biệt là người dân Pa Cô - Vân Kiều. Họ đã nhắn rằng: " Khi nào Huy Thục ra bắc, gặp Bác Hồ, cho người Pa

Cô - Vân Kiều  cảm ơn Người. Mai ngày Huy Thục nhớ quay lại thăm bản miềng nhé".  Lời nhắn nhủ ấy đã thôi thúc nhạc sĩ viết nên ca khúc nổi tiếng "Người con gái Pa Cô" với lời hứa "...Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát. Người con gái Pa Cô".

Ðã xấp xỉ "bát tuần", nhạc sĩ Huy Thục vẫn giữ nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ, vẫn khao khát được cống hiến sức mình cho nghệ thuật, qua những chuyến đi thực tế, để có cảm xúc cho những sáng tác mới, và những chủ đề mới. Riêng chủ đề Bác Hồ vẫn là ngọn lửa cháy mãi không thôi. Những tác phẩm ông viết về Bác bằng tất cả tấm lòng của người chiến sĩ kính yêu Người.