Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân

NDO -

Sáng 24-7, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Viện KSND (26-7-1960 - 26-7-2020) và Đại hội thi đua yêu nước ngành KSND lần thứ VI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu tham dự buổi lễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; các Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Minh Trí, Viện trưởng KSND tối cao và nhiều lãnh đạo cơ quan bộ, ban, ngành và một số địa phương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện KSND tối cao…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.

DSC_0620-1595571992998.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Viện Kiểm sát nhân dân. 

Tại buổi lễ, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao công bố Quyết định về việc tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho ngành KSND đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành KSND. Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng KSND tối cao.

Bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân

Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện KSND tối cao và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KSND những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Căn cứ vào Hiến pháp năm 1959, ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện KSND, quy định Viện KSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đã đánh dấu sự ra đời và phát triển của một hệ thống cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân". Các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát đã được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.

Những đóng góp to lớn của ngành Kiểm sát đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong năm năm 2015 - 2020, ngành Kiểm sát đã tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai đồng bộ các giải pháp và đã đạt kết quả toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với những kết quả nổi bật.

Theo đó, đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Viện kiểm sát các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với hàng trăm nghìn vụ án hình sự với hàng trăm nghìn bị can. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để xây dựng và phát triển đất nước...

Ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Trong toàn bộ quá trình hoạt động thực thi pháp luật, cán bộ, công chức toàn ngành luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngành Kiểm sát của nhân dân, dựa vào nhân dân và phục vụ nhân dân. Những nguyên tắc Hiến định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tiến hành kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, thận trọng trong việc phê chuẩn, ban hành các quyết định tố tụng, nhất là các quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Yêu cầu chống bỏ lọt tội phạm đồng thời với chống làm oan người vô tội đang được thực hiện ngày càng tốt hơn…

DSC_0512-1595571992802.JPG
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, Viện KSND tối cao đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều biện pháp thiết thực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng làm rõ hành vi phạm tội, đẩy nhanh tiến độ, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn hơn; chủ động và kiên quyết áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp.

Thứ tư, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, biểu dương. Trách nhiệm công tố ngày càng được đề cao, kiểm sát các hoạt động tư pháp được tăng cường. Đội ngũ công chức, kiểm sát viên ngày càng bản lĩnh hơn trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Chất lượng công tác kiểm sát ngày càng được nâng cao, gắn với hoạt động điều tra và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ghi nhận những đóng góp quan trọng, to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho ngành Kiểm sát nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất… Ngành cũng có nhiều đơn vị, cá nhân là những điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua cả nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của ngành.

Nâng cao bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Đề cập thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những thời cơ to lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong nước và quốc tế, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ; kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm lãnh đạo và triển khai thực hiện.

DSC_0652-1595571994743.JPG
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân.

Để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, Thủ tướng đề nghị ngành KSND cần thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và thế giới; diễn biến tội phạm, vi phạm; cẩn trọng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đất nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Cán bộ, công chức, kiểm sát viên ngành Kiểm sát cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế.

Thứ hai, thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, là hoạt động bảo đảm tính tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, bảo đảm cơ quan này thật sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố, bảo đảm công tố phải gắn với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ, việc khiếu kiện đông người, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung giải quyết tốt các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan kiểm sát, bảo đảm phục vụ Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong ngành Kiểm sát.

Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đủ sức đảm đương, gánh vác trọng trách được giao trong tình hình mới.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chú trọng đàm phán, ký kết các thỏa thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy liên quan tới yếu tố nước ngoài.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Ngành. Tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về ngành Kiểm sát trong thời kỳ đổi mới;chú trọng xây dựng, lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp về sự cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp luật, thực thi công lý, phục vụ nhân dân, để nhân dân luôn đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp, xác định đây là cơ quan trọng yếu của chế độ ta và coi phát triển tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người nói: "Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ". Ngành kiểm sát chúng ta rất vinh dự và tự hào được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo sâu sát, toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ kiểm sát như "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục".

Thủ tướng nhấn mạnh: Những tư tưởng và lời dạy vẫn còn nguyên giá trị của Người luôn là nguồn động viên, giúp mỗi cán bộ, công chức, kiểm sát viên nâng cao bản lĩnh, ý chí đấu tranh với sai phạm và tội phạm; bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng ngành Kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đồng chí bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, sau Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI, phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát sẽ một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua cả nước, tiếp tục là động lực quan trọng cổ vũ cán bộ, công chức Viện KSND các cấp lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DSC_0469-1595571993312.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại biểu thăm Phòng truyền thống về ngành Kiểm sát. 

* Trước khi diễn ra buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành tham quan Phòng truyền thống của Viện KSND tối cao; tham quan gian trưng bày các tác phẩm đạt giải Nhì cuộc thi do Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức. Tham quan gian trưng bày hai cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngày KSND” và thi viết “Chân dung cán bộ Kiểm sát và Bản lĩnh Kiểm sát viên”. Các tác phẩm thể hiện sự công phu, nghiêm túc, sự quan tâm đối với quá trình hình thành và phát triển của ngành KSND, qua đó giúp người dân hiểu biết thêm về pháp luật, làm theo pháp luật…

Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm năm (2015 - 2020) do Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày nhấn mạnh: Trong năm năm qua, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện KSND tối cao và Hội đồng thi đua Ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát nên nhận thức, trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong tổ chức các phong trào thi đua tiếp tục được phát huy; đội ngũ cán bộ của Ngành không ngừng được rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ nghiệp vụ và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm năm qua (2015 - 2020), ngành KSND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Toàn ngành có hai tập thể và ba cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng; 99 tập thể và 69 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; bảy cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.037 cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành KSND”; 82 tập thể được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, 1.356 tập thể được tặng “Cờ thi đua Ngành KSND”; 64 tập thể và 96 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4.219 tập thể và 16.056 cá nhân được tặng Bằng khen của Viện trưởng KSND tối cao…

(Theo Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của ngành KSND trong năm năm)