Kon Tum tăng cường bảo vệ rừng khu vực biên giới

* Trà Vinh hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp

Thời điểm này, địa bàn tỉnh Kon Tum đang vào mùa khô, công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới được đẩy mạnh nhằm thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo vệ đường biên, phòng, chống dịch Covid-19, vừa quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn.

Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng cây dược liệu kết hợp bảo vệ rừng. Ảnh: HÀ HƯỜNG
Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng cây dược liệu kết hợp bảo vệ rừng. Ảnh: HÀ HƯỜNG

Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là hết sức quan trọng, cho nên ngay từ đầu mùa khô 2020 - 2021, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đồn biên phòng tại 13 xã biên giới, phối hợp lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra khu vực rừng trên tuyến biên giới. Các lực lượng lên phương án phòng, chống cháy rừng; giám sát các phương tiện ra vào các khu vực rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Các đơn vị thường xuyên phối hợp tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các tình huống vi phạm, đồng thời, tuyên truyền, vận động những hộ dân sống gần rừng, ven rừng chung tay bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

Cùng với bảo vệ và trồng mới rừng, trong 5 năm tới, Dự án Bảo vệ và phát triển rừng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y được các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng với chiều dài dọc theo biên giới 29km, diện tích rừng được bảo vệ và phát triển ước hơn 900 ha.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Trà Vinh tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; tích cực hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận các chính sách của Trung ương và tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hơn 50% số hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh hoạt động hiệu quả.

Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp các ngành liên quan tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh; tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội... để hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, gắn kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân; từng bước thay đổi phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, tỉnh có hơn 120 hợp tác xã nông nghiệp nhưng tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn thấp. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Ngoài sự hỗ trợ từ tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất, các hợp tác xã được Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Trà Vinh), Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD Trà Vinh), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam... hỗ trợ thêm để phát triển sản xuất.