Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình

NDO -

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 16/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình -0
 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình tại phiên họp.

Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả, đã huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Tình trạng bạo lực gia đình còn khá phổ biến.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua…

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào cụ thể hóa ba chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình và quan tâm các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng cũng như đặc thù vùng miền, dân tộc.

Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá tác động, tính khả thi, nhận diện đầy đủ hơn các hành vi, đối tượng, bạo lực gia đình, rà soát, làm đậm nét hơn ba nhóm chính sách trong đó có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; làm sâu sắc hơn việc bảo đảm nguyên tắc quyền con người, quyền công dân, quy định về vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội.

Đồng thời, lãnh đạo Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để không chỉ bảo đảm tính khả thi mà còn đồng bộ với các dự án luật khác như: Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em…

Phát biểu ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, nội dung nào thuộc về quy định của Luật hay do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho trúng, đầy đủ.

Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp.

Về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, phải bao quát được vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của các quy định pháp luật, bảo đảm việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Dự thảo luật cần bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. 

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án luật này và Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi, góp ý vào dự án luật.

Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Tư vấn văn hóa-xã hội tổ chức phản biện dự án luật này để có thêm nhiều ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể.

Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, cho ý kiến vào tháng 5 năm 2022.