Khi Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều

1. Bằng cảm hứng sáng tạo độc đáo, bằng con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời (theo Nguyễn Đăng Tuyển – Biên tu Quốc sử quán triều Nguyễn) mà Nguyễn Du đã biến một tiểu thuyết chương hồi bình thường là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thành một kiệt tác thơ có tên Đoạn trường Tân thanh mà ta vẫn thường gọi là Truyện Kiều. Truyện Kiều không còn là một tiếng thơ bình thường mà tiếng thơ làm động đất trời, trở thành tiếng thương, tiếng ru ngàn năm vọng mãi. Âm vang Truyện Kiều không giới hạn bởi mọi biên giới không gian.

Tính đa nghĩa, sự hàm ngôn của nhiều giá trị miêu tả, nhận thức, phản ánh, triết lý đã làm cho Truyện Kiều sống mãi trong sự tiếp nhận không giới hạn của người đọc. Cuộc sống vốn dĩ muôn màu muôn vẻ, đa dạng nhiều chiều... Lịch sử cũng bộn bề bởi biết bao nhiêu sự kiện..., một tác phẩm văn học dù quy mô đồ sộ đến mấy cũng không thể phản ánh hết. Nhưng kỳ lạ thay ta lại gặp rất nhiều điều trong cuộc sống thường nhật, trong lịch sử trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ đó gợi cho người ta sự liên hệ với mình, với người. Bao nhiêu trạng huống, bao nhiêu chi tiết trong sự vô biên của đời sống ta có thể bắt gặp trong Truyện Kiều. Trong một khoảnh khắc nào đó, trên mọi nẻo đường đời của từng số phận lại có thể thấp thoáng thấy ở trong Truyện Kiều. Hơn thế Truyện Kiều từ một bình diện cá nhân đã thành bình diện dân tộc trên mọi phương diện:

- Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn (Chế Lan Viên)

- Trải qua một cuộc bể dâu

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình (Tố Hữu)

Truyện về nàng Kiều rất cá biệt, cụ thể, sinh động, nhưng lịch sử và cuộc sống nhiều người lại được vận vào rất tự nhiên, đó là cơ sở để dân gian bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, và gần đây Phó Tổng thống và Tổng thống Mỹ cũng lẩy Kiều.

2. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn đã đến thăm Việt Nam vào ngày 17-11-2000. Trong bài diễn văn đọc tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông đã lẩy Kiều:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân

(Just as the lotus wilts, the mums bloom forth

Time softens grief, and the winter turn to spring)

Trong văn bản Truyện Kiều, câu thơ ấy chỉ có ý nghĩa miêu tả sự vận động của thời gian bằng bút pháp ước lệ: Sen tàn - mùa hạ qua, hoa cúc nở - mùa thu tới để nói về tâm trạng nhớ nhà của Thúc Sinh. Nhưng khi Tổng thống Mỹ đọc câu đó thì nó lại mang một ý nghĩa khác: Có phải sen tàn là sự nóng bỏng dữ dội của chiến tranh giờ đã nguội, quá khứ đau thương được khép lại. Mùa thu mát mẻ tượng trưng cho cuộc sống thanh bình đã đến, chúng ta hãy cùng hướng tới tương lai. Quan hệ hai nước đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, thanh bình, yên ả như cúc nở hoa?

Đầu tháng 7-2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Trong một lần hội kiến Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam lại được nghe ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lẩy Kiều:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

(Thank heaven we are here today

To see the sun through parting fog and clouds)

Đây là hai câu thơ miêu tả Kim - Kiều tái hợp. “Vận vào” chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì hai câu thơ trên mang thêm một lớp nghĩa khác: Lịch sử có thể có những khúc rẽ, có thể có sai lầm để rồi sau đó hối hận mà sửa chữa. Trời còn để có hôm nay nghĩa là chúng ta còn có nhiều cơ hội để hướng tới tương lai, bởi trước mắt chúng ta, màn sương mờ đã được vén, bầu trời quang đang đợi...

Người viết bài này khi ấy (7-7-2015) đang có mặt ở Oa-sinh-tơn, bất ngờ được Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Đình Tĩnh cho biết việc Phó Tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều ngay sau cuộc hội kiến. Tôi rất xúc động và cảm thấy tự hào khi nhận ra sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều, không chỉ trường tồn đời đời trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn ở cả phạm vi thế giới.