Khi các già làng làm tuyên truyền viên bầu cử

NDO -

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần, Gia Lai đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với tình hình đặc điểm, trình độ nhận thức của người dân nhằm bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử 23-5 sắp đến.

Già làng Đinh Ếch (thứ 2 từ phải sang), tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.
Già làng Đinh Ếch (thứ 2 từ phải sang), tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.

Tiếng loa biên phòng

Những ngày giữa tháng 5, vùng biên Gia Lai nắng như đổ lửa. Thế nhưng đã hơn một tháng nay, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt biên phòng thuộc Đồn Biên phòng xã Ia Nan, huyện Đức Cơ vẫn miệt mài với công tác tuyên truyền về ngày bầu cử 23-5. Đều đặn mỗi ngày hai lượt, các cán bộ thuộc Đội vận động quần chúng rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để phát loa tuyên truyền về bầu cử. Chính nhờ tiếng loa tuyên truyền, người dân ở vùng biên xa xôi đã nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử, từ đó có nhận thức đúng đắn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân khi tham gia bỏ phiếu.

Đại úy Phan Trung Tình, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Ia Nan (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) chia sẻ: "Để bảo đảm mục tiêu tất cả mọi người dân đều được biết, được tham gia bầu cử, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tăng cường công tác bám địa bàn, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền người dân về công tác bầu cử, qua đó, giúp người dân nhận thức và tham gia đầy đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đợt bầu cử sắp tới. Việc tuyên truyền bằng loa di động và tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử, được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng biên soạn lại ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ bằng tiếng dân tộc trong vùng và tiếng Kinh được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, do vậy được các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đồng loạt áp dụng".

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: "Xã Ia Nan với gần 2.000 hộ và khoảng 8.000 nhân khẩu sống trên một địa bàn rộng. Thời gian từ tháng 3-5 hằng năm là cao điểm của vụ thu hoạch điều nên nhiều gia đình ăn ở luôn tại rẫy. Các đồng chí bộ đội biên phòng đã không quản thời gian đi lại giúp xã tiếp cận với các đối tượng để làm công tác tuyên truyền. Qua các buổi tuyên truyền của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, người dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình, từ đó phấn khởi, háo hức đón chờ ngày hội toàn dân đi bỏ phiếu vào 23-5 tới.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Với nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai đang phối hợp các lực lượng chức năng duy trì 24 tổ chốt chặn cố định và 10 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian gần đây, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 được gắn với công tác tuyên truyền cho người dân biên giới về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp tình hình đặc điểm, trình độ nhận thức của người dân vùng biên giới, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong phòng chống dịch cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử 23-5.

Già làng làm tuyên truyền viên

Bằng uy tín và trách nhiệm, các già làng đã góp tiếng nói quan trọng nỗ lực cùng Ủy ban bầu cử địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về để từ đó tham gia thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình. Do gia đình có việc trong thời gian dài ở xa nên bà Rơ Lan Nir (làng C, xã Gào, TP Pleiku) chưa tham gia họp làng hay tiếp cận với thông tin về bầu cử. Mới đây, ngay sau khi trở về làng, bà được già làng Rơ Châm Ơm tới nhà ân cần thăm hỏi và thông tin về sự kiện chính trị trọng đại sắp tới của đất nước. Bà Nir chia sẻ: “Khi được già làng đến tuyên truyền về công tác bầu cử, tôi được hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Sau đó, tôi ra địa điểm bỏ phiếu để kiểm tra danh sách cử tri xem có tên mình hay không và tìm hiểu thông tin các ứng cử viên. Đến ngày bầu cử, vợ chồng tôi sẽ đi bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Theo già làng Rơ Châm Ơm, làng C đã lập danh sách có hơn 200 cử tri. Khi được xã triển khai công tác bầu cử, tôi và Trưởng thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của cử tri. Những hộ dân chưa rõ hay bận không đi họp thì tôi đến tận nhà tuyên truyền và hướng dẫn bà con đi bầu cử đúng ngày để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Qua trò chuyện, bà con đều mong muốn bầu chọn được những đại biểu có đủ tiêu chuẩn về trình độ, có đức, có tài, có năng lực, nhiệt tình giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. “Tôi dành nhiều thời gian cho những người cao tuổi, ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hay những phụ nữ quá bận rộn với công việc ruộng vườn, nhà cửa”, già Rơ Châm Ơm chia sẻ.

Cũng như già Rơ Châm Ơm, già làng Đinh Ếch (làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro) cũng tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử và các quy định pháp luật liên quan. Do địa bàn rộng, dân cư thưa, đã vậy người dân thường đi làm rẫy nhiều ngày mới trở về nhà nên việc họp dân tuyên truyền, vận động của già Đinh Ếch cũng gặp không ít khó khăn vất vả do vậy, ngoài việc tuyên truyền tại các buổi họp làng thì già Đinh Ếch thường tranh thủ buổi tối đến tận nhà vận động bà con tập trung về nhà rông để cùng nhau tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về bầu cử. “Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào việc hỏi đáp về công tác bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, của cử tri và các quy định về bầu cử. Bên cạnh đó, tôi kêu gọi bà con không nghe theo lời kẻ xấu; tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc bầu cử; lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, già Đinh Ếch chia sẻ.

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về bầu cử ở Gia Lai -0
Chốt kiểm dịch đồn Biên phòng Ia Chia (huyện Ia Grai-Gia Lai), kết hợp nhiệm vụ phòng chống dịch với tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. 

Trao đổi thêm về việc này, đồng chí Trần Văn Tuất, Bí thư Đảng ủy xã An Trung, cho biết: Xã có tám làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao trong cộng đồng, các già làng đã góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, các già làng đã đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền về ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và  bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kì 2021 - 2026, các già làng xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với người dân.

Ông Trương Văn Đạt, Trương Văn Đạt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh Gia Lai hiện có ba Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 21 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 với 1.437 tổ bầu cử tại mỗi điểm bỏ phiếu. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã tổ chức 17 cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV  và 155 điểm tiếp xúc cử tri  với đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Với đặc thù là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban bầu cử các cấp của tỉnh Gia Lai đã chú trọng vào công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức sinh động, trực quan với hơn 13 nghìn bản tài liệu chuyên đề  phổ biến giáo dục pháp luật về bầu cử; 1.200 sổ tay phổ biến các quy định về bầu cử được dịch song ngữ bằng Tiếng Kinh-Bahnar-Jrai.