Học, làm theo Bác và trách nhiệm nêu gương

Bài phát biểu tâm huyết, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05; triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tài liệu quý, được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Học, làm theo Bác và trách nhiệm nêu gương

Không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu lý luận, bài phát biểu còn mang tính định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với các cấp ủy, tổ chức đảng. Ðiểm mới trong bài phát biểu là Tổng Bí thư đã phân tích sâu sắc, toàn diện, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh và phong cách Hồ Chí Minh. Ðặc biệt là yêu cầu mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phải "Chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên".
 

Việc học tập và làm theo Bác đã được Ðảng ta chỉ đạo từ sớm với việc ban hành nhiều chỉ thị, kết luận phù hợp từng giai đoạn cách mạng và mang lại những hiệu quả thiết thực. Quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được các cấp ủy gắn với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Nhờ đó góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng. Từ việc học tập và làm theo Bác, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình, tiên tiến, việc làm tốt, có sức lan tỏa trong cuộc sống. Rõ nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ; trước khó khăn, con người xích lại gần nhau hơn, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Song cũng phải thấy rằng, việc học tập và làm theo Bác tuy đã được đưa ra từ lâu, nhưng nhiều vấn đề bức xúc chậm, hoặc chưa được giải quyết, như công tác cán bộ là một thí dụ. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ sai phạm phải xử lý kỷ luật như nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng. Kết quả đó "làm nức lòng dân" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nhưng đây cũng là sự cảnh báo về một nguy cơ đã được chỉ ra từ giữa nhiệm kỳ Ðại hội VII của Ðảng mà đến nay chưa được đẩy lùi, thậm chí có mặt, có nơi còn phức tạp hơn. Cán bộ tham nhũng, biến chất, vô cảm, quan liêu vẫn là vấn đề nhức nhối, làm đau lòng nhân dân, làm Ðảng ta trăn trở. Không ít cán bộ nói về Bác rất hay, nhưng làm thì dở, trái ngược với điều mà Người mong muốn; nói một đằng, làm một nẻo, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Thế mới càng thấy, vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ và đảng viên. Thiết nghĩ đó là một trong những việc làm vừa cấp bách vừa có tính lâu dài, cần có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thường xuyên của các cấp ủy đảng; là trách nhiệm, bổn phận của tất cả cán bộ, đảng viên. Cá nhân nào thờ ơ với yêu cầu đó sẽ không còn đủ tư cách là cán bộ, đảng viên của Ðảng; làm trái yêu cầu đó là vô ơn với Bác, là có tội với nhân dân.

Học Bác là để thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thống nhất giữa tư tưởng và hành động; nhận rõ những chuẩn mực đạo đức ở Người, coi đó như lẽ sống tự nhiên, là nhu cầu tự thân của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày.

Học tập Bác có tốt đến mấy cũng chưa đủ mà điều có ý nghĩa quyết định là làm theo Bác. Học Bác mà không làm được như Bác căn dặn thì thật là vô nghĩa. Học Bác là để biến nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thành lẽ sống, thành hành động và thể hiện trong từng việc làm cụ thể, thống nhất giữa lời nói và việc làm, từ những việc nhỏ nhất như ứng xử với cấp dưới, đồng nghiệp đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm trước Ðảng, trước dân.

Học tập và làm theo Bác là trách nhiệm của mỗi người với xã hội, là nhu cầu tình cảm, là tấm lòng tri ân dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Nhưng đối với cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gắn liền việc học, làm theo với nêu gương và thực hiện đồng thời ba yêu cầu đó. Nhân dân ta vẫn tâm niệm "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Cán bộ, đảng viên làm tốt, sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm sẽ được nhân dân tin yêu, đồng hành trong công việc. Cán bộ có chức, có quyền mà sống ích kỷ, vun vén cá nhân thì chỉ là chiếc gương mờ để nhân dân chỉ nhìn thấy hình ảnh cán bộ bị hoen ố mà thôi. Vì thế, cán bộ có chức vụ càng cao, càng phải đề cao trách nhiệm nêu gương. Nêu gương trong việc học tập Bác, thấm nhuần tư tưởng của Ðảng, kiên định mục tiêu lý tưởng của cách mạng, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðặc biệt là nêu gương trong làm theo Bác, từ việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể, biết chia sẻ, không suy bì thiệt hơn với đồng nghiệp; gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh", như Bác Hồ căn dặn.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự đúc kết thực tiễn trong quá trình lãnh đạo đất nước của Ðảng, nhưng cũng là tất cả tâm tư, tình cảm, nhiệt huyết, mong muốn ở người lãnh đạo cao nhất của Ðảng trong học tập và làm theo Bác. Ðể đền đáp công ơn trời biển của Bác, các cấp ủy, tổ chức đảng phải truyền được cảm hứng, nhiệt huyết ấy đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày càng thực hiện tốt hơn nữa những điều Bác Hồ căn dặn, để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.