Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 29/6, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng PHAN VĂN GIANG, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; TRẦN TUẤN ANH, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chủ trì Hội nghị phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương ký kết Quy chế phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng. (Ảnh: mod.gov.vn)
Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương ký kết Quy chế phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng. (Ảnh: mod.gov.vn)

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động phối hợp trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, quốc phòng; trong đó bao gồm các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, từ khi Quy chế phối hợp số 04 ngày 10/12/2014 được ban hành, sự phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Định hướng thời gian tới, đồng chí cho rằng, hai bên tiếp tục tập trung phối hợp trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Làm tốt việc phối hợp xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia; kiểm tra, rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp quốc phòng...

* Chiều 29/6, sau hai ngày làm việc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã bế mạc, hoàn thành các nội dung đã đề ra.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành thành phố tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch và tiến độ đề ra đối với dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất và đánh giá, dự thảo Chương trình hành động đã bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa 17) và tình hình thực tiễn.

* Ngày 29/6, đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong sáu tháng đầu năm, nền kinh tế của thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh, ổn định tạo cho người dân và doanh nghiệp tâm lý phấn khởi, yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tính chung sáu tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ; trong đó tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ… Bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt, một số ngành có chỉ số lao động giảm. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế-xã hội thành phố thời gian qua đã phục hồi nhanh, đồng bộ nhưng so với quốc tế thì mức phục hồi vẫn chưa tương xứng tiềm năng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống chính quyền thành phố trong quá trình chỉ đạo, điều hành các cấp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế thành phố. Đồng chí yêu cầu các đơn vị, sở, ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, trong đó chú trọng những lĩnh vực người dân quan tâm như: Thực phẩm, giáo dục, bình ổn giá hàng hóa,… Đối với những vấn đề trong khả năng, thẩm quyền của thành phố, các đơn vị nỗ lực hoàn thành để hướng đến các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.

* Ngày 29/6, Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị Ban Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Đại tướng Lương Cường ghi nhận, biểu dương các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các hội nghị; đồng thời yêu cầu Cục Tổ chức, Cục Chính trị và Văn phòng Tổng cục Chính trị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh văn bản phục vụ các hội nghị. Trong đó, cần làm rõ những điểm nổi bật hơn năm trước, đi sâu mô hình, cách làm mới có sức lan tỏa, nhân rộng những bài học kinh nghiệm; đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục triệt để các khâu yếu, mặt yếu làm tiền đề nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng năm 2022 với mục tiêu kết quả công tác quân sự, quốc phòng năm nay phải tốt hơn năm trước.

Đồng chí cũng lưu ý các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt phục vụ các hội nghị theo đúng kế hoạch đã xác định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực…

* Ngày 29/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất về những thành tích trong kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group; trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group.

Được thành lập từ năm 1992, sau 30 năm phát triển, Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group không ngừng lớn mạnh, đồng hành với sự phát triển của đất nước. Trong giai đoạn tới, Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group xác định sẽ phát triển những ngành công nghệ mới, như công nghệ gien và tế bào; trí tuệ nhân tạo; công nghệ máy bay không người lái; năng lượng mới và công nghệ lượng tử cùng với các lĩnh vực phát triển đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, hậu cần, phát triển hạ tầng, môi trường… ■