Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 21-8, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác đến dâng hương Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Bác Tôn.

Dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đồng thời là Chủ tịch danh dự “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó, hiếu học” của Báo Công an nhân dân đã trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học xã Mỹ Hòa Hưng nhằm hỗ trợ công tác khuyến học, chăm lo học sinh nghèo vượt khó, hiếu học của địa phương. Phó Thủ tướng mong muốn, tỉnh An Giang cần quan tâm, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.

* Trước đó, ngày 20-8, Phó Thủ tướng thị sát khu vực sạt lở quốc lộ 91 thuộc xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang). Phó Thủ tướng đánh giá, sạt lở tại khu vực quốc lộ 91 là nguy hiểm và có khả năng vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành dự án đường tránh qua khu vực sạt lở dài 5 km (kinh phí khoảng 250 tỷ đồng), đưa vào sử dụng cuối tháng 9 tới. Về xử lý lâu dài, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương theo kiến nghị của tỉnh An Giang.

* Ngày 21-8, tại Hà Nội, đồng chí VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp dự Tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, lâm nghiệp (CTNLN) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Trao đổi ý kiến tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, để hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi các CTNLN vào năm 2020 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, cần nghiên cứu thêm cả hình thức phá sản đối với các công ty chờ giải thể như đề nghị của một số địa phương. Cần đánh giá lại việc tại sao không cho các nông, lâm trường phá sản, nếu không phá sản mà chỉ giải thể, Nhà nước phải nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ hoặc sáp nhập vào các đơn vị khác.

Đối với cổ phần hóa, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán rõ trường hợp nào Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, trường hợp nào bán hết cho thành phần kinh tế khác, trường hợp nào Nhà nước giữ quyền phủ quyết với tỷ lệ nắm giữ 36% cổ phần. Về việc này, Chính phủ sẽ để thẩm quyền cho địa phương, đơn vị quyết định để xử lý các vấn đề sau cổ phần hóa và đề nghị các địa phương cần có ý kiến cụ thể. Cần nghiên cứu đối với các CTNLN, nếu Nhà nước không giữ quyền chi phối thì pháp luật có nên cho phép thu hút nhà đầu tư chiến lược không?

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: quá trình đổi mới, sắp xếp các CTNLN thời gian qua là tích cực, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các CTNLN. Tuy nhiên, việc sắp xếp các CTNLN chỉ là giai đoạn đầu, việc đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này mới là điều quan trọng.

* Thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề án “Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kế hoạch “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”, từ ngày 19 đến 21-8, Đoàn công tác số 1 do đồng chí PHAN ĐÌNH TRẠC, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết của T.Ư đã khảo sát tại: Đảng ủy Công an T.Ư, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Thành ủy Hà Nội.

Phát biểu ý kiến kết luận các buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng ủy Công an T.Ư, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của cấp ủy, tổ chức đảng thuộc diện khảo sát. Đồng chí đề nghị các cơ quan cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung khắc phục những hạn chế, tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách tư pháp trong thời gian tới.

* Ngày 21-8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH dự Hội nghị khoa học và Triển lãm nha khoa quốc tế lần thứ 12 do Hiệp hội Răng hàm mặt Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư và Liên đoàn nha khoa thế giới (FDI) tổ chức thường niên. Đây là sự kiện khoa học lớn, thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các nhà chuyên môn, các nhà sản xuất hàng đầu thế giới; đồng thời cũng là cơ hội để các bác sĩ trong lĩnh vực răng hàm mặt tiếp cận, cập nhật kỹ thuật mới, hiện đại, lựa chọn được sản phẩm nha khoa phù hợp nhất cho công việc.

Với chủ đề “Nha khoa toàn diện cho cuộc sống”, trong ba ngày làm việc, các đại biểu dự hội nghị sẽ nghe các báo cáo liên quan đến chủ đề như: Chỉnh răng hiện đại, ổn định bền vững trong cấy ghép implant, tái tạo miệng-hàm mặt, dự phòng sâu răng sớm... tại 25 phiên khoa học với 65 chuyên đề. Triển lãm nha khoa quốc tế với hơn 350 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm nha khoa mới. Triển lãm là cơ hội để các y, bác sĩ trao đổi, thảo luận, cập nhật thông tin bổ ích nhằm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.