Hiểu lịch sử Việt Nam khi còn là một tù binh

NDO -

NDĐT- Vị quan chức ngành bảo tàng của Hoa Kỳ Robert Chenoweth cho rằng, con đường sự nghiệp của ông bắt đầu từ thời “làm khách của khách sạn Hilton - Hỏa Lò Hà Nội”, nơi các tù binh Mỹ được học đàn, học vẽ… và đọc lịch sử văn hóa Việt Nam qua các cuốn sách tiếng Anh do Việt Nam xuất bản trong thời chiến. Và chuyến trở lại Việt Nam mới đây của Robert Chenoweth với mục đích trải nghiệm “thực tế” và chia sẻ những hiểu biết mà ông đã “học chay” hơn 40 năm trước.

Tác giả Robert Chenoweth chụp ảnh chung với học sinh tại Văn Miếu. Ảnh: Nguyễn Hạc Đạm Thư.
Tác giả Robert Chenoweth chụp ảnh chung với học sinh tại Văn Miếu. Ảnh: Nguyễn Hạc Đạm Thư.

Robert Chenoweth từng là Cựu tù binh Mỹ tại Việt Nam từ năm 1968 đến 1973. Những kiến thức về lịch sử mà ông có “tích góp” được trong thời gian làm tù binh tại Việt Nam đã cho ông một cái nhìn xác thực về con người, đất nước và lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đến với sử Việt qua cuốn Vietnamese Studies

Trong chuyến về thăm Việt Nam gần đây của tôi, vào tháng 3-2013 - lần đầu tiên sau 40 năm - một người bạn Mỹ, từng quan hệ nhiều năm với Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) đã thu xếp cho tôi được gặp cựu giám đốc có tên tuổi của NXB này, ông Hữu Ngọc. Thật vinh dự cho tôi, được gặp con người từng xuất bản những cuốn sách tiếng Anh mà tôi đã được đọc trong thời kỳ là tù binh.

Hôm nay, mỗi khi ngắm vài cuốn Vietnamese Studies (Nghiên cứu Việt Nam – một trong những tạp chí tiếng nước ngoài mà Hữu Ngọc là Tổng biên tập) rải rác trên giá sách của mình ở Mỹ, nhữnghồi ức về những ngày đầu được đọc những cuốn trong một hoàn cảnh của thời chiến và cuộc gặp ông Hữu Ngọc đã để lại thêm ấn tượng cho tôi.

Tôi không thể nói chắc các ấn phẩm của ông Ngọc đã ảnh hưởng đến những độc giả khác ra sao, nhưng hầu hết những người nào tôi biết ở Mỹ cũng chia sẻ một mối quan tâm sâu sắc và tình cảm sâu nặng về Việt Nam – họ đều có những cuốn Vietnamese Studies trên giá ở nhà.

Tôi vẫn thường nhớ về những ngày làm tù binh ở Việt Nam, đã hơn 40 năm. Một sáng lạnh lẽo bên đống lửa đã lụi tàn và khi trời sáng chúng tôi không được phép khêu đống lửa lên. Đã ở Việt Nam khoảng một năm, và tôi chưa từng chịu cái lạnh đến mức độ ấy. Chúng tôi ở trên đỉnh núi cao, trong một khu rừng rậm nơi mây mù che phủ và trời thường xuyên đổ mưa trong khí hậu tháng Hai. Như mọi người ở đây, sáng dậy chúng tôi đón một ngày mới, nhưng không biết nó đem lại cái gì.

10 ngày trước đó, chiếc trực thăng UH-1D Huey của tôi bị du kích (huyện Hải Lăng) bắn rơi cạnh xã Hải Tân (địa phận Mai Đàn), tỉnh Quảng Trị, nằm ở phía nam Khu phi quân sự. Phi hành đoàn gồm: Joe, phi công; Roy, phụ lái; Mike, xạ thủ; và tôi (quân giới trên không). Hai hành khách (người Mỹ) là một đại tá lục quân và một thợ sửa tủ lạnh. Tất cả chúng tôi đều bị bắt. Chúng tôi đã đi bộ khoảng sáu ngày liền tới trại nằm trên núi. Khoảng một tháng sau, chúng tôi mới di chuyển bằng xe tải.

Chúng tôi cùng chia sẻ không biết mình đang ở đâu và sắp đi đâu!? Chỉ biết đang ở trong tầm giám sát của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đấy là tất cả những gì chúng tôi được biết. Chúng tôi gọi những người áp giải là “Việt Cộng” và không biết họ là người miền nam hay miền bắc. Chúng tôi thấy nhiều đơn vị đang hành quân, họ đi ngược hướng với chúng tôi, vai vác đầy các vũ khí, quân dụng.

Vào một buổi sáng, sau khi chúng tôi ăn một bữa cơm rau, người phiên dịch, từng là một thầy giáo người Huế tới và đưa cho chúng tôi một cuốn sách bằng tiếng Anh có nhan đề Vietnam Today (Việt Nam ngày nay). Bìa cuốn sách là bức phong cảnh đồng lúa Việt Nam và được xuất bản tại Hà Nội năm 1965. Chúng tôi háo hức giở cuốn sách ra đọc, đầu tiến là các trang viết về địa lý, khí hậu, và nông nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi đọc và quan tâm đến phần viết về các loại thực phẩm và cách sử dụng chúng, đây là kiến thức cần thiết đối với chúng tôi ở thời điểm ấy.

Khoảng hơn hai tuần sau, chúng tôi rời trại và chuyển sang một số trại khác, sau đó được chuyển ra Bắc dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng tôi không được mang cuốn sách Vietnam Today theo. Chúng tôi không biết rồi sẽ có những sách khác để đọc hay không khi đến Nghệ An.

Tuy nhiên, ở Nghệ An, chúng tôi bắt đầu được đọc rất nhiều thông tin về Việt Nam, đặc biệt là về lịch sử cổ đại và về thời đại gần đây, liên quan đến thời kỳ chế độ thực dân của Pháp, và cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Ngoài những cuốn sách, chúng tôi được đọc Vietnam Courier (Người đưa tin Việt Nam) một bán nguyệt san khổ bằng trang báo.

Những cuốn sách thật sự đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của tôi, trong các số của nguyệt san Vietnam Courier có các ấn bản, như Việt Nam: Các vấn đề cốt yếu (Vietnam: Fundamental Problems (số 12, 1966), Đóng góp vào lịch sử Điện Biên Phủ (số 3, tháng 3 1965). Tôi cũng rất ấn tượng với cuốn sách Cuộc đấu tranh của chúng ta trước đây và hiện nay (Our Struggle in the Past and Present), của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Những sách báo này giúp tôi hiểu chi tiết hơn lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, và nhân dân Việt Nam và những người lãnh đạo đã tổ chức lực lượng ra sao.

Dĩ nhiên những cuốn sách đó với tôi đâu phải chỉ để đọc chơi. Tôi đã không đọc chúng trong một hoàn cảnh vô thưởng vô phạt. Tôi nghiền ngẫm những điều đọc được trong văn cảnh của trải nghiệm của riêng mình để “thưởng thức” (appreciate) những con chữ ngay cả khi tôi phải chật vật đọc văn phong hoa mỹ (rhetoric – hùng biện, khoa trương) của các cuốn sách.

Trong khi một vài tù binh Mỹ tỏ ra không quan tâm tới nội dung và văn phong của các ấn phẩm đó. Họ cho rằng toàn bộ những tác phẩm đó chỉ là “tuyên truyền” và một điệp khúc luôn được họ nói: “OK, đây là phía họ nói thế. Tôi sẽ chờ đến khi về Hoa Kỳ, để xem phía mình nói gì”. Và lúc đó, tôi thường chất vấn họ: “Thế bạn đã nghe phía nào khi ở tuổi mới lớn ở Hoa Kỳ chưa?!”.

Tôi đã hiểu biết những gì mà tôi chưa từng biết

Những trải nghiệm của đời tôi trước khi bị bắt làm tù binh khiến tôi đặt ra các câu hỏi: Chúng ta đang làm gì, nhất là trong cách chúng ta cư xử với người Việt Nam. Nhưng những cuốn sách trên, cùng những gì tôi được chứng kiến bằng tai mắt của mình sau khi bị bắt đã buộc tôi phải nhận thức rằng: Người dân Việt ủng hộ phong trào kháng chiến và cuộc kháng chiến ấy hiện hữu.

Những cuốn sách đã giúp tôi hiểu biết những gì tôi chưa từng biết, cho phép tôi động não để “xếp mọi thứ vào đúng chỗ của chúng”, như chúng ta vẫn nói “tóm lại”.

Đôi khi cách hành văn của Anh ngữ trong các cuốn sách trên thật mới mẻ với tôi. Đối với người Mỹ chúng tôi – vốn không quen thuộc với ngôn ngữ của “cách mạng XHCN” - văn phong này hơi “ngang ngang”, và có vẻ hoa mỹ. Tuy nhiên tôi đã quen sống bằng tư duy của chính mình nên ôi chẳng ngại bị nhiễm “tuyên truyền cộng sản”.

Những gì tôi quan tâm là nội dung, tôi không quan tâm nhiều đến hình thức. Kể cả khi khó khăn với văn phong của sách, không còn cách nào khác tôi vẫn cố gắng bám sát nội dung và tìm một điểm tựa để tạo cân bằng giữa trải nghiệm như một cậu bé Hoa Kỳ với tưởng tượng là mình lớn lên ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với tôi và một số bạn một thời “tù binh Mỹ” ở Việt Nam, vấn đề đặt ra là Mỹ dính líu vào Việt Nam không hẳn do định kiến, mà do thiếu hiểu biết thực tiễn ở Việt Nam.

Các đầu sách của Nhà Xuất bản Ngoại văn (nay là Thế Giới) đã mở ra những cánh cửa mới cho tôi hiểu biết về truyền thống lịch sử hào hùng của Việt Nam. Tôi chưa bao giờ được học điều gì về đất nước, con người Việt Nam khi còn là một học sinh trung học hay một lính Mỹ. Cảm nhận mà tôi phát triển trong thời kỳ là tù binh là: Nếu tôi hiểu biết đôi điều về Việt Nam trước khi nhập ngũ, chắc tôi đã nhất quyết không sang Việt Nam.

Các số của Vietnamese Studies và các đầu sách khác của NXB Ngoại văn mở ra cho tôi một triển vọng khác, chúng giúp tôi sắp xếp những gì tôi trải nghiệm trước khi bị bắt làm tù binh, và dẫn dắt tôi trở thành người có tư duy ngày một phê phán hơn. Chúng đã cung cấp cho tôi những hiện thực mới mẻ, nhờ trải nghiệm phía bên kia chiến tuyến của cuộc chiến tranh - cái mà ít người Mỹ có khả năng chứng kiến.

Nhiều năm qua, tôi đã sưu tầm được ở Mỹ, không nhiều các số của tạp chí Vietnamese Studies. Tôi luôn để ý tìm chúng mỗi khi tôi ra cửa hàng sách. Các cuốn Vietnamese Studies luôn có nhiều thông tin hay, một số trong những thông tin này đã không còn thời sự, nhưng vẫn còn là những “cột cây số” nếu bạn muốn tìm hiểu Việt Nam và cuộc chiến tranh của Mỹ. Đối với riêng tôi, những cuốn sách này đã bước vào đời tôi tại một thời điểm tuyệt vời. Nó giúp tôi nhận biết và đánh giá đúng tình cảnh của mình. Chúng làm sáng tỏ những câu hỏi, và cả những câu trả lời của tôi về cuộc chiến tranh, đặc biệt về những con người mà trước đó tôi từng đối đầu.

Sẽ ngọt ngào biết bao nếu có được những kiến thức ấy, mà không phải trải nghiệm những gì tôi đã nếm trải, nhưng tôi vẫn hàm ơn về những điều đã học được thời kỳ ở trong trại tù binh, và về việc tôi đã chuyển tải được một số ý tưởng trong phạm vi hiểu biết của tôi tới các con trai, các bạn và các đồng nghiệp tôi ở Mỹ.

Lần trở lại Việt Nam vừa qua, tôi luôn muốn đi thăm những địa điểm mà tôi đã được đọc từ 40 năm trước, trong các số của tạp chí Vietnamese Studies. Tôi đã không thể có được điều kiện đi tham quan trong chiến tranh, nhưng các địa danh này luôn đậm nét trong tôi nhờ những trang viết trong các số Vietnamese Studies.

Rất tiếc lần này, tôi mới chỉ tới thăm lại hai trại tù binh ở Hà Nội mà tôi đã từng sống cách đây 40. Tới tham quan Cổ Loa, Văn Miếu, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học và xem các trưng bày hiện vật khai quật từ Hoàng Thành Thăng Long; dạo quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ…