Hết mình vì biển, đảo Trường Sa

Ðến chuỗi nhà giàn DK1, hay những cây đèn biển nơi quần đảo Trường Sa, ít ai biết có sự đóng góp đầy ý nghĩa của các nhà khoa học Trường đại học Xây dựng Hà Nội, mà trực tiếp là Viện Xây dựng công trình biển. Và người có những đóng góp không nhỏ vào những công trình ấy là PGS, TS Ðinh Quang Cường.

PGS Ðinh Quang Cường (thứ hai từ trái sang) trao đổi với cán bộ Hải quân và đơn vị liên quan thiết kế xây dựng đèn biển.
PGS Ðinh Quang Cường (thứ hai từ trái sang) trao đổi với cán bộ Hải quân và đơn vị liên quan thiết kế xây dựng đèn biển.

PGS, TS Ðinh Quang Cường, Viện trưởng Viện Xây dựng công trình biển (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) hào hứng nói về những chuyến đi biển, đảo, nhất là những lần cùng cộng sự ra với Trường Sa thân yêu. Vóc dáng thư sinh, cứ nghĩ cuộc sống của nhà khoa học chỉ quen với giảng đường, hay trong phòng thí nghiệm. Vậy mà nhiều lần, có lần một tháng rưỡi, anh cùng cán bộ của mình đi khắp quần đảo Trường Sa để khảo sát, điều tra, đo vẽ, lấy mẫu vật phân tích, nghiên cứu. Những chuyến đi ấy giúp các anh thu nhận được các cứ liệu khoa học, khơi nguồn sáng tạo những công trình có độ bền vững trước sự va đập và ăn mòn của sóng biển.

Dấu ấn khoa học cho những công trình vùng quần đảo Trường Sa, trước hết phải kể đến các trạm dịch vụ kinh tế-kỹ thuật (hay còn gọi là nhà giàn DK1). Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, với tầm nhìn chiến lược, việc thiết kế, xây dựng nhà giàn DK1 được tiến hành. Cùng một số cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), Viện Xây dựng công trình biển mà GS Phạm Ngọc Hùng (khi đó là Viện trưởng) được mời tham gia nghiên cứu, tư vấn. Vượt lên khó khăn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, từ nhà giàn DK1 đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần (giữa năm 1989), từng bước các nhà giàn DK1/1, DK1/3, 4... đến DK1/21 được thi công tại các bãi Huyền Trân, Quế Ðường vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Giữa trùng khơi, hàng chục nhà giàn DK1 như "khách sạn" giữa biển, là "mắt thần" trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Tuy nhiên, hơn 20 năm trước, lĩnh vực xây dựng các công trình trên biển, đảo chưa được chuẩn bị kỹ, nên sau đó không lâu, do tác động của thiên tai, gió bão, một số nhà giàn DK1 bị sập đổ, xiêu vẹo...

Năm 2000, được giao nhiệm vụ, PGS, TS Ðinh Quang Cường và nhóm cán bộ Trường đại học Xây dựng Hà Nội lên tàu hải quân ra Trường Sa, nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục các sự cố ở một số điểm trong chuỗi nhà giàn DK1. Trong suốt một tháng rưỡi, các anh đến các điểm đảo và bãi đá ngầm san hô Phúc Tần, Phúc Nguyên, Ba Kè, Tư Chính... Những chuyến ra Trường Sa, dọc thềm lục địa phía nam giúp các anh thấm thía hơn lời dặn của Bác Hồ "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Với đề xuất gia cố nhà giàn DK1 theo nguyên lý trọng lực của Viện Xây dựng công trình biển, trong mười năm (từ 2001 đến 2011), hàng chục nhà giàn đã được thi công, xây dựng lại. Ứng dụng nguyên lý này, đã khắc phục được sự rung lắc, tăng độ bền vững của công trình và mở rộng quy mô các nhà giàn lên cao, rộng hơn. PGS, TS Ðinh Quang Cường và các cộng sự phối hợp các đơn vị công binh hải quân và dầu khí thiết kế, thi công xây dựng lại các nhà giàn số 11, 14 và 17 một cách vững chãi.

Cùng với việc tham gia đề tài trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu điều kiện kỹ thuật môi trường biển và nền móng công trình nhằm xác định luận chứng kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình biển vùng nước sâu Việt Nam" (từ năm 2008 đến năm 2011 do viện chủ trì), PGS, TS Ðinh Quang Cường còn được mời làm tư vấn, phản biện cho một số công trình thuộc lĩnh vực dầu khí. Chẳng hạn như tư vấn, xây dựng đường ống dẫn khí từ Nam Côn Sơn về đất liền Vũng Tàu dài 360 km (nếu thực hiện theo phương án của một tác giả nước ngoài sẽ phải chi phí thêm 500 triệu USD); đó là tư vấn thiết kế xây dựng đường ống Rạng Ðông-Bạch Hổ dài 42 km, hợp đồng với Petro Việt Nam. Sau phản biện của các cơ quan chuyên môn, cuối cùng đơn vị chủ quản đã thực hiện theo phương pháp tính toán của PGS, TS Ðinh Quang Cường và nhóm cộng sự.

Ấn tượng nhất trong các chuyến ra Trường Sa điều tra, nghiên cứu khoa học của anh là việc hoàn thành đề tài "Nghiên cứu xây dựng các công trình biển trọng lực bê-tông để đỡ các đèn biển trên các đảo bán chìm thuộc quần đảo Trường Sa" (thực hiện từ năm 2007 đến 2011 và được Hội đồng khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc). Trong chuyến đi 20 ngày vào tháng 3/2010, PGS, TS Ðinh Quang Cường cùng sáu cán bộ Viện Xây dựng công trình biển mang ra Trường Sa năm tấn vật liệu sắt, thép, bê-tông, ngâm dưới biển, theo dõi qua từng năm xem mức độ ăn mòn diễn ra như thế nào, để đến năm 2015 có những con số chuẩn xác; phục vụ tốt hơn cho việc xây dựng các công trình biển, đảo.

Theo PGS, TS Ðinh Quang Cường, để hoàn thành đề tài, anh và nhóm nghiên cứu đã tập trung trí lực, tìm cơ sở khoa học để tính toán và cấu tạo định hình các công trình trọng lực bê-tông ở quần đảo Trường Sa; đề xuất giải pháp kết cấu phù hợp để xây dựng công trình biển trọng lực độc lập làm đèn biển trên thềm lục địa; giải pháp thi công đèn biển trên các đảo nổi; xem xét, đánh giá hiệu quả kinh tế của phương pháp xây dựng các đèn biển... Kết quả là từ năm 2008 đến 2012, 4 công trình đèn biển cao 30 m so với mặt nước biển, diện tích hơn 500 m2, cách bờ đảo khoảng 150 m được xây dựng quanh các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Sơn Ca.

PGS, TS Ðinh Quang Cường chia sẻ: Ðể phục vụ tốt chương trình kinh tế-xã hội vùng biển, đảo, tăng cường khả năng phòng thủ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của Ðảng, Nhà nước cho Trường Sa. Theo PGS, TS Cường, mỗi đảo nên có một bến cập tàu, xuồng. Nếu khéo kết hợp trong quá trình thiết kế thì việc gắn vào mỗi đèn biển một bến cập tàu, xuồng là hợp lý. Bởi lẽ, việc xây dựng một công trình hỗn hợp với hai chức năng vừa đỡ đèn biển, vừa làm bến cập tàu, xuồng sẽ hợp lý hơn cả về quy mô công trình, cũng như đầu tư nếu so với việc xây dựng hai công trình độc lập trong điều kiện môi trường biển xâm thực mạnh ở Trường Sa...