Hà Nội phấn đấu GRDP năm 2022 tăng từ 7 đến 7,5%

NDO -

Sáng 7/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã khai mạc kỳ họp thứ ba. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2021; quyết định phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, thu-chi ngân sách năm 2022 của thành phố và xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Lễ khai mạc kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: DUY LINH)
Lễ khai mạc kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: DUY LINH)

Dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội.

Năm 2022 phấn đấu GRDP tăng từ 7 đến 7,5% 

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết: Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề để thành phố triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đến nay, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý III. Dự kiến, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của thành phố tăng khoảng 2,35 đến 3%. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của thành phố là 2,92%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%. Một số lĩnh vực phục hồi tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội như sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid19. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán.

Bước sang năm 2022, với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phấn đấu GRDP tăng từ 7 đến 7,5%. UBND thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan tâm bảo đảm tốt các điều kiện khám, chữa bệnh; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục tận dụng có hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành ba nhiệm vụ quan trọng với kết quả khả quan đó là: Chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện.

Hà Nội phấn đấu GRDP năm 2022 tăng từ 7 đến 7,5% -0
 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Dự báo năm 2022 tình hình sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài với những biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát cơ bản của Hà Nội trong năm tới là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng chí đề nghị, các đại biểu HĐND thành phố phát huy cao độ tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình từ đó chỉ ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Các nghị quyết của HĐND thành phố  cần tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý.

Cần khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà thành phố Hà Nội đã đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã biểu dương tinh thần trách nhiệm, chủ động, bài bản, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, đặc biệt sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Đồng chí nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, tổ chức, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội có tác động tích cực tới chỉ tiêu tăng trưởng của toàn quốc, do vậy, mục tiêu tăng trưởng bền vững của thành phố là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu GRDP năm 2022 tăng từ 7 đến 7,5% -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý HĐND các cấp thành phố Hà Nội cần tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang quan tâm, chủ động phối hợp mặt trận, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí trong xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát; tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để tổng hợp, báo cáo và đề xuất cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển để Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 22 báo cáo, 8 nghị quyết thường kỳ và 12 nghị quyết chuyên đề, trong đó, nhiều nội dung quan trọng được cử tri quan tâm như quy định mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Thủ đô; chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.