Giải quyết những bức xúc của nhân dân cần trách nhiệm và quyết tâm hơn nữa

NDO -

Tuần qua Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII hai nội dung được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, mong đợi: Lần đầu tiên QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn và chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: TTXVN)

Kết quả phản ánh trung thực tình hình dư luận xã hội trước những khó khăn của nền kinh tế đất nước. Ðồng thời thể hiện rõ ràng hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm của các đại biểu QH trước những vấn đề "nóng" của đất nước, của nhân dân.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần cụ thể, rõ ràng

Báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tất cả những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đều có báo cáo gửi các đại biểu QH, tự đánh giá về kết quả công tác theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian từ khi được bầu giữ chức vụ và nhất là một năm qua. Ðây là nguồn thông tin quan trọng nhất để các đại biểu QH cân nhắc, xem xét trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Một căn cứ khác cần được chú ý là tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tư pháp của đất nước. Diễn biến này phản ánh kết quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung, những người thuộc diện lấy phiếu nói riêng. Qua đây cho thấy, những việc đã làm được và cả những hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục, khắc phục chưa hiệu quả trên từng lĩnh vực để QH xem xét, đánh giá.

Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm nên thực hiện sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, để các đại biểu QH có thể đánh giá công bằng hơn. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) nhận thấy, chất vấn là hoạt động thường xuyên được tiến hành tại QH, TVQH. Qua các phiên chất vấn, có một số Bộ trưởng, trưởng ngành được tham gia trả lời chất vấn, một số khác chưa có cơ hội trả lời chất vấn. Vì vậy, để có đánh giá công bằng đối với tất cả các chức danh được đưa ra lấy phiếu, TVQH nhận định, không cần thiết chờ sau phiên chất vấn mới tiến hành lấy phiếu và việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tại thời điểm này là phù hợp.

Sau khi kết quả lấy phiếu được công bố, dù còn những ý kiến khác nhau nhưng nhiều đại biểu QH cho rằng: Qua lần đánh giá tín nhiệm này, QH đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ mà dân giao cho. Việc đánh giá tín nhiệm ở bước "thăm dò" đã diễn ra khách quan. Kết quả phản ánh khá sát với diễn biến thực tế của đời sống kinh tế - xã hội.

Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) nhận xét, quá trình lấy phiếu tín nhiệm diễn ra nghiêm túc và đây sẽ là tiền đề cho những hoạt động thiết thực hơn đối với công việc quan trọng này. Một trong những mục tiêu của lần bỏ phiếu này là sự nhắc nhở trách nhiệm và cũng qua đó mỗi vị bộ trưởng và mỗi cương vị nhận thức được vị thế mà mình đang đảm nhận. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác động tích cực. Với kết quả một số thành viên Chính phủ chưa nhận được sự tín nhiệm cao, có đại biểu cho rằng, qua đây, mỗi thành viên chính phủ cần phấn đấu, nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên cần nhìn nhận, những người chưa được tín nhiệm cao không có nghĩa là họ không đủ sức gánh vác trọng trách, bởi có những người mới, phụ trách mảng quá rộng, nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành khác nhau, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Về cách thức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác cho rằng: Cần nghiên cứu thêm về các mức trong phiếu tín nhiệm để việc lấy ý kiến của các đại biểu QH có kết qủa cụ thể hơn, rõ ràng hơn, tránh chung chung. Nên tiến tới hình thức các nước thường áp dụng là chỉ đưa ra hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nói về vấn đề này, có đại biểu nêu ý kiến: Tuy đưa ra ba mức, nhưng sự phân biệt cấp độ là không cụ thể, đều có mục đích là tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) cho nên việc bỏ phiếu dễ dẫn tới kết quả "an toàn" cho cả người bỏ phiếu và người được lấy  phiếu tín nhiệm.

Có đại biểu QH băn khoăn: Trong thực tế, có nhiều luồng thông tin khác nhau về các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn nhưng độ chính xác thì không thể xác minh. Ðiều này có thể  ảnh hưởng nhất định đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Ðại biểu này mong rằng, trong thời gian tới, các đại biểu QH sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin hơn nữa từ các cơ quan chức năng về những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Cần quyết liệt hơn trước những vấn đề "nóng"

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong Kỳ họp lần này tiếp tục được làm "nóng" bởi nhiều ý kiến, câu hỏi thẳng thắn của các đại biểu QH về những vấn đề bức xúc của nhân dân trong thực tế cuộc sống. Mặc dù nhiều câu hỏi của các đại biểu QH đã được các thành viên Chính phủ trả lời, trao đổi và thông tin thỏa đáng nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở về những khó khăn của người dân trong lao động, sản xuất và cuộc sống mà chưa có những giải pháp kịp thời, quyết liệt...

 Chia sẻ khó khăn với người sản xuất nông nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác nêu ý kiến: Nhiều lĩnh vực, thí dụ như ngành vật liệu xây dựng, ngành bất động sản trong thời gian qua khi gặp khó khăn các Bộ trưởng, Thứ trưởng của ngành này thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra những yêu cầu đề nghị QH, Chính phủ phải có những giải pháp hỗ trợ. Trong khi đó, người nông dân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng tiếng nói của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn "nhẹ" quá. Bộ trưởng cần thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân bằng những gói hỗ trợ cụ thể, kịp thời.

 Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cho các trường nghề tại các địa phương. Ðây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo trước QH. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cùng nhiều đại biểu khác rất băn khoăn, lo lắng về thực trạng công tác dạy nghề, nhất là cho lao động nông thôn đang gặp nhiều bất cập, hạn chế, chưa đạt hiệu quả. Theo Ðề án 1956, đến năm 2020 sẽ dạy nghề cho 11 triệu lao động nông thôn, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, dự kiến khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Qua hơn hai năm thực hiện, đề án đã đào tạo, bồi dưỡng được khoảng 180 nghìn cán bộ, giáo viên và hỗ trợ dạy nghề cho gần 1,1 triệu lao động nông thôn so với mục tiêu đề ra thì tiến độ triển khai đề án còn rất chậm, kết quả còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao và nguyên nhân cũng có nhiều. Trong đó có những nguyên nhân thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, từ T.Ư đến địa phương, như: kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát với nhu cầu xã hội, công tác thông tin tuyên truyền về chế độ chính sách, thông tin về thị trường cũng chưa đạt yêu cầu... Các nguồn lực, đầu tư của Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả và có nguy cơ lãng phí. Một trong những nguyên nhân là vì tay nghề của các học viên sau khi được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Mặc dù đã được học nghề nhưng khi doanh nghiệp nhận vào vẫn phải đào tạo lại cho nên người học không muốn học nghề.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trả lời, trao đổi với các đại biểu QH những vấn đề và những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực của bộ quản lý. Có thể nói, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của từng cán bộ trong ngành. Một trong những vấn đề "nóng" là du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành. Là đất nước có nhiều di tích là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nhưng vì sao sức hấp dẫn thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế thì Việt Nam còn kém xa so một số quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu khác lo lắng về những yếu kém trong công tác quản lý sản xuất, lưu hành phim ảnh, các trò chơi bạo lực, các văn hóa phẩm độc hại đã và đang có nhiều tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống hành vi của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Ðây là vấn đề cấp bách thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cũng là  những nội dung mà cử tri cùng nhân dân rất bức xúc khi các băng đĩa lậu, phim đồi trụy, văn hóa phẩm độc hại khác vẫn được lưu hành, bày bán công khai trên thị trường...

 ÐINH SONG LINH