Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển hiệu quả và bền vững (*)

LTS - Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn của báo chí Ấn Độ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa Ngài Chủ tịch nước, Việt Nam và Ấn Độ vừa tổ chức Năm Hữu nghị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai đối tác chiến lược và một năm triển khai đối tác chiến lược toàn diện. Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết về quan hệ giữa hai nước thời gian qua?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai dân tộc luôn chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Với sự tin cậy và chia sẻ nhiều lợi ích chung, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 7-2007 và nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện tháng 9-2016. Mối quan hệ tốt đẹp này đã được cụ thể hóa trên các lĩnh vực, nhất là các trụ cột chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân.

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó thông qua thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều đã đến thăm Ấn Độ. Việt Nam cũng đã đón Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ tới thăm. Trong Năm Hữu nghị 2017, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai đối tác chiến lược.

Hai bên cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động giai đoạn 2017 - 2020.

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực hợp tác chiến lược và hiệu quả. Ấn Độ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng.

Ấn Độ tiếp tục là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ấn Độ dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo; quan tâm thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông, năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, du lịch.

Gắn kết văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, sâu đậm; phim truyền hình Ấn Độ và y-ô-ga đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.

Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”, tăng cường kết nối, hợp tác phát triển với ASEAN. Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong giai đoạn 2015 - 2018, Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.

Phóng viên: Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết triển vọng hợp tác Việt Nam và Ấn Độ? Hai bên có thể thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới nào trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Triển vọng và tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước còn rất lớn. Hai nước tiếp tục thúc đẩy sự tin cậy cao về chính trị thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp. Tăng cường triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020.

Để đạt mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD vào năm 2020, hai bên cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu; đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Ngoài ra, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết, hợp tác trên các lĩnh vực.

Với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở Nam Á và Đông - Nam Á, dân số trẻ, lực lượng lao động lớn, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ na-nô, vật liệu mới… Các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ số”, “100 thành phố thông minh” và những thành tựu của Ấn Độ về kinh tế tri thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

Ngoài ra, là những nước có lợi thế tự nhiên về kinh tế biển, Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược biển của mỗi nước.

Phóng viên: Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong muốn thu hút các nhà đầu tư Ấn Độ vào lĩnh vực nào?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam - Ấn Độ là một trong những lĩnh vực có bước phát triển nhanh thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua; đứng thứ 28 trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 168 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 756 triệu USD trong năm 2017. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như TATA, ONGC, Essar… đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cũng như đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng… là các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Hai nước cần tăng cường kết nối cả về song phương và khu vực, kết nối về hạ tầng như đường không, đường bộ, hàng hải và kết nối số.

Cùng với đó, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển. Doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động, quyết liệt trong việc thúc đẩy hợp tác.

Phóng viên: Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết ý kiến về chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định việc ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò tích cực hơn vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Các nước ASEAN và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử cũng như các lợi ích chiến lược. Hai bên cần tăng cường làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối trên bộ, trên không, trên biển và kết nối số; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Việc triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên cũng như thúc đẩy việc xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, bao trùm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việt Nam và ASEAN sẽ hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trên các lĩnh vực để cùng hướng tới mục tiêu chung vì tương lai tươi sáng của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

Phóng viên: Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch nước!

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.