Dư luận quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đóng góp của Việt Nam thúc đẩy văn minh nhân loại

Cùng với thành công của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Việt Nam đã bước vào chặng đường mới.

Ông Hàn Phương Minh. (Ảnh: NVCC/TTXVN)
Ông Hàn Phương Minh. (Ảnh: NVCC/TTXVN)

Thực tiễn của công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống Covid-19 của Việt Nam và Trung Quốc đã chứng minh, công cuộc hiện đại hóa của các quốc gia trên thế giới không chỉ có một mô hình phương tây.

Ðó là nhận định của ông Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Chính hiệp Trung Quốc, về bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Thông qua chuyển đổi mô hình, cải cách và đổi mới ở Trung Quốc và Việt Nam đã tăng thêm hy vọng và sức sống mới cho CNXH, đạt được những tiến bộ mang tính lịch sử. Việt Nam không ngừng hội nhập quốc tế, quốc tế không ngừng phát hiện ra một Việt Nam mới. Ðiều này chứng minh, Việt Nam đã tìm đúng con đường tới CNXH, chặng đường phía trước sẽ càng rộng mở và có giá trị văn minh cao hơn.

Việt Nam đặt ra mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, trở thành một sách lược mới của CNXH đương đại. Nhìn từ phạm trù lý luận CNXH, kinh tế thị trường định hướng XHCN là lý luận đột phá có tính sáng tạo, là một tổ chức kinh tế vừa tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, vừa vận hành có căn cứ, theo hướng dẫn và chi phối mang nguyên tắc và tính chất của CNXH. Thực tiễn của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phát triển hài hòa, thể hiện tiềm năng to lớn của sự nghiệp đổi mới. Tổng kết kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam và tinh hoa trong tư tưởng quản trị quốc gia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lợi cho việc trao đổi lý luận và tri thức giữa các chính đảng trên thế giới, đóng góp nhiều bài học về phương án quản trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cuộc gặp, thể hiện nhận thức chung giữa hai Ðảng, hai nước trong thúc đẩy sự nghiệp xây dựng CNXH, chung tay đóng góp và làm phong phú thêm kho tàng văn minh nhân loại.

Dưới nỗ lực chung, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển lành mạnh ổn định, tình hữu nghị truyền thống hai Ðảng, hai nước không ngừng được củng cố, tin cậy chính trị hai bên ngày càng sâu sắc, thành quả hợp tác thực chất ngày một nhiều thêm, giao lưu nhân dân ngày càng trở nên sôi nổi.

Quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh ổn định, giúp sự nghiệp xây dựng CNXH phát triển mạnh mẽ, góp phần duy trì hòa bình ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy kinh tế thịnh vượng, cống hiến thêm trí tuệ và các biện pháp đóng góp cho văn minh nhân loại. Ðối mặt đại dịch Covid-19 và thách thức từ môi trường phức tạp bên ngoài, sự hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước đã lội ngược dòng để đạt tăng trưởng, cho thấy không gian rộng mở và tiềm năng to lớn của hợp tác song phương.

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh hai nước, văn hóa hai bên có nhiều nét tương đồng. Từ văn hóa truyền thống cho tới văn hóa CNXH, từ giao thương kinh tế cho đến giao lưu nhân dân, từ hợp tác tri thức cho đến phát triển lý luận, hai nước có những nền tảng hợp tác cần thiết phải đi sâu tìm hiểu, củng cố và mở rộng, đưa hợp tác đi vào thực chất, thu hẹp bất đồng, xây dựng hình mẫu hợp tác chính đảng và nhà nước cùng có lợi.