Đồi F trong chiến dịch Điện Biên Phủ

NDO -

Trong hệ thống phòng thủ được coi là “bất khả xâm phạm” của quân Pháp tại thung lũng Mường Thanh trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), dãy đồi phía Đông trong đó có đồi F chạy dài theo con đường 41 (nay là đường Võ Nguyên Giáp), là bức tường chắn để bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Rất nhiều cựu binh là chiến sĩ Điện Biên phải nhờ con cháu dìu bước đến dự lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ trên đồi F.
Rất nhiều cựu binh là chiến sĩ Điện Biên phải nhờ con cháu dìu bước đến dự lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ trên đồi F.

Với nhãn quan của một viên tướng từng kinh qua nhiều chiến trường Âu - Phi, Đờ-cát bố trí 2 cụm cứ điểm là Elian và Dominich nhằm tạo hướng phòng ngự chủ yếu để ngăn chặn đối phương từ phía đông và đông bắc đánh vào khu trung tâm. Nếu giữ được các điểm cao phía đông này, quân Pháp mới có chỗ dựa để cố thủ. Chính vì vậy cuộc chiến tại những cao điểm này diễn ra vô cùng phức tạp và quyết liệt từ cả hai phía.

Thời gian đầu, sau những đòn tấn công rất mạnh mẽ, Quân đội Việt Nam nhanh chóng chiếm được những vị trí then chốt ở vòng ngoài, phá tan được hệ thống hàng rào dây thép gai, chờ thời cơ để tổ chức mũi thọc sâu vào hầm chỉ huy tại các cứ điểm.

Nhưng cũng rất nhanh chóng, Đờ-cát đã bàn với tham mưu kịp thời đề ra những phương án để đối phó với tình hình đang rất khẩn trương. Cứ điểm A1 được đánh giá là vị trí quan trọng nhất trong đợt tiến công này. Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A1, sau đó phát triển tiêu diệt cứ điểm A3 trong điều kiện có chuẩn bị. Khi nghiên cứu A1 ta thấy địch dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi, bố trí công trình phòng thủ thành ba tuyến.

Bên ngoài ở tiền duyên là tuyến chống cự chủ yếu; tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực; trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và hầm chỉ huy. Trong cứ điểm có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn.

Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn súng cối và pháo. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều trong ngày đầu tiên. Ta và địch giành nhau từng ụ súng, từng ngách hào. Quá nửa đêm, cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa đồi.

Cùng với đồi A1, đồi F là một trong các điểm cao quan trọng nhất trong dãy đồi phòng thủ phía đông, có tác dụng che sườn cho phân khu đông của quân Pháp. Đồng thời, cùng các điểm cao khác, tạo thành một “bức bình phong” bảo vệ cho khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 3 đợt tấn công của toàn bộ chiến dịch, các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh rất nhiều xương máu mới làm chủ được cứ điểm đồi F. Trước khi khởi công xây dựng “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”, gần chục ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch ĐBP tiếp tục được phát hiện và quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập (đội 18, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên).

Kỹ sư Nguyễn Việt Phương, Trưởng Ban quản lý Dự án các Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư dự án) công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường) cho biết: Tháng 9/2018, cuộc thi Đồ án thiết kế công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” được tổ chức.

Trong số hàng chục bài thi gửi về trên quy mô toàn quốc, bài thi của Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Xây dựng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã giành giải Nhất. Đó chính là công trình như mọi người thấy hiện nay. Khu đất xây dựng “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” trên đồi F (cạnh đồi A1), thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là khu đất thoáng đãng và rộng rãi, cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, người Pháp gọi cứ điểm đồi F là “Mont Fictif”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Đồi tưởng tượng”. Người Thái gọi đồi F là đồi Pom Ca, do xưa kia trên đồi có cây Sa nhân mọc thành rừng hoang. Về sự gắn kết: Đồi F gần với các di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, gần đồi Pom Loi (đồi Lễ tang, nơi có câu chuyện tình bi thảm giữa nàng Ho Quảng với chồng là Lạng Chượng)...

Đồi F trong chiến dịch Điện Biên Phủ -0
 
Toàn cảnh công trình Đền thờ liệt sĩ trên đồi F hôm nay.

Các tài liệu lịch sử cho biết cụm đồi A1 và cạnh đồi F từng là nơi đóng bản doanh của chúa Thái Lạng Chượng trong cuộc thiên di về phương Nam cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII (chính vì vậy mà đồi A1 còn có tên gọi theo thổ âm Thái là “pom Lạng Chượng”). Thời vua Lê Hiển Tông (1716-1786), một đạo quân của triều đình lên đây đánh dẹp Hoàng Công Chất và đóng quân trên đồi A1.

Trong cuộc xâm lăng lần thứ nhất của thời kỳ “đạo quan binh thứ 4” (1916-1943) quân pháp chọn đồi A1 là nơi đồn trú dưới sự chỉ huy của quan tư Phua-ma-sa (Fourmachat), tiếp theo là quan ba Vay-ăng (Vaillant) và cuối cùng là quan hai Giô-ne (Johner). Thời Nhật chiếm Đông Dương (trước 1945), một đạo quân Phù Tang từng đóng đồn trên đồi A1 (tên gọi phiên âm “Kiêng Ki An” cũng từ đó mà ra) trước khi bị quân đồng minh bức hàng.

Ngày nay, trên đồi A1 còn một số hầm ngầm do quân Nhật xây dựng bằng gạch chỉ, được quân Pháp tận dụng, gia cố và mở thêm các lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ngoài ra, cạnh vị trí “lô cốt cây đa cụt” (bên đường Võ Nguyên Giáp hiện giờ) còn có đền thờ Đức Thánh Trần. Không lâu sau khi nhảy dù tái chiếm thung lũng Mường Thanh (tháng 11/1953), quân Pháp đã phá dỡ ngôi đền này để lấy chỗ xây dựng một lô cốt tiền duyên dưới chân đồi.

Cụm di tích đồi F và A1 đi vào truyền thuyết, đi vào thơ ca, đi vào những biến cố biên niên một vùng đất và nhất là đi vào lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra với 56 ngày đêm thì các trận đánh tại cứ điểm đồi F và A1 diễn biến với 38 ngày đêm; là nơi diễn ra nhiều trận đánh nhất, ác liệt nhất, gây nhiều thương vong nhất cho cả hai bên.

Vì những lẽ ấy, xin bạn hãy bớt chút thời gian lên Điện Biên, thắp một nén hương nơi “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”. Nhắm mắt lại bạn sẽ nghe thấy tiếng hò dô vọng về từ đêm kéo pháo lưng đèo Nà Nhạn; tiếng bè mảng xuôi dòng Nậm Na của các đoàn dân công chở đạn và cả tiếng khóc xé lòng của những em bé trong trại tập trung Noong Nhai.